TP.HCM nỗ lực xóa những nút thắt cổ chai - Bài 3: Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn

(PLO)- Theo chuyên gia, để xóa bỏ nút thắt cổ chai, TP.HCM cần triển khai hàng loạt công việc, trong đó có sáu giải pháp phát triển hạ tầng giao thông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hạ tầng giao thông của TP.HCM hiện rất đa dạng, đầy đủ loại hình như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa thực sự bắt kịp hết tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội dẫn đến việc quá tải trong quá trình khai thác.

Nút thắt cổ chai.JPG
TP.HCM cần triển khai đồng bộ các quy hoạch để tránh tình trạng tự dẫn đến các nút thắt cổ chai. Ảnh: ĐT

Nguyên nhân do giải phóng mặt bằng chậm

Cụ thể, hiện hạ tầng giao thông của TP chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với quy hoạch phát triển giao thông của TP. Một số công trình giao thông hư hỏng, xuống cấp mà chưa được sửa chữa kịp thời. Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đầy đủ, vẫn dựa vào xe buýt mà không có các phương tiện vận chuyển lớn như metro.

Trong khi đó, dân cư tập trung ngày càng đông làm tăng số xe cá nhân lưu thông hằng ngày. Với dân số hơn 10 triệu người, TP cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và làm giảm ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân xuất hiện các nút thắt cổ chai có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nhưng yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là vấn đề giải phóng mặt bằng. Từ khâu kiểm đếm, định giá, thỏa thuận, thống nhất với người dân là rất khó.

Bên cạnh đó, hiện các công trình giao thông xuống cấp, chưa được khắc phục, một số tuyến đường hư hỏng, mặt cắt bị thu hẹp làm xuất hiện ùn tắc. Nhiều tuyến đường hoặc nút giao chưa được mở rộng theo quy hoạch. Người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là khi ùn tắc mới xuất hiện, các xe hai bánh thường vi phạm luật giao thông, thậm chí đi ngược chiều để tìm cách thoát ra khỏi ùn tắc làm cả khu vực trở nên nghiêm trọng hơn.

Việc quy hoạch các đô thị vệ tinh để giãn nhu cầu giao thông ra các vùng lân cận có thể giải quyết một phần áp lực cho hạ tầng giao thông của TP.

Việc tổ chức giao thông tại một số nút giao chưa hợp lý, hệ thống vạch sơn biển nhiều chỗ bị mờ, chưa được sửa chữa kịp thời; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm thu hẹp diện tích lưu thông của các xe cũng cần kiểm tra và xử lý.

Dân số lớn và xe cá nhân nhiều, đặc biệt là tỉ lệ sở hữu xe hai bánh tại TP cao hơn nhiều so với các khu vực khác, trong khi đó hệ thống đường hiện tại không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại.

Việc xóa nút thắt cổ chai không dễ vì phải giải quyết được vấn đề về giải phóng mặt bằng, vốn cần nguồn lực tài chính rất lớn.

Ngoài các giải pháp về hạ tầng giao thông, việc quy hoạch các đô thị vệ tinh, giãn nhu cầu giao thông ra các vùng lân cận cũng có thể giải quyết một phần áp lực cho hạ tầng giao thông của TP.

Bên cạnh đó, TP cần hạn chế xe cá nhân đi vào khu vực trung tâm; hạn chế phát triển taxi trong TP; đồng thời nghiên cứu các giải pháp quản lý hiệu quả tại khu vực nút giao; khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng.

Hinh_phu-P9_Chinh.jpg
TP.HCM cần có chính sách phù hợp để giảm thiểu xe cá nhân, tích cực sử dụng giao thông công cộng. Ảnh: ĐT

Theo TS Trịnh Tuấn Hùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông cần được thúc đẩy phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được sự cân bằng tương đối giữa giao thông và đô thị thông qua những mô hình phân tích định lượng.

Sáu yếu tố để phát triển hạ tầng giao thông

Quy hoạch giao thông tại TP yêu cầu những tầm nhìn sâu rộng và toàn diện hơn để hướng tới môi trường giao thông xanh, thông minh và bền vững, cụ thể:

Đầu tiên phải kể đến tiền đề quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển giao thông hướng tới giao thông xanh, thông minh và bền vững là vấn đề an toàn.

Thứ hai, cần phân loại đường theo chức năng và các giải pháp kết nối trên mạng lưới có ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác. Do vậy, TP cần quan tâm hơn đến phân loại đường theo chức năng và đề xuất một hệ thống phân loại phù hợp trong điều kiện giao thông ở Việt Nam.

TP.HCM cần triển khai đồng bộ các quy hoạch, tránh cái làm trước, cái làm sau; tránh tình trạng tự dẫn đến các nút thắt cổ chai

Thứ ba, hiện đô thị hóa diễn ra khá nhanh. Nếu xét về khía cạnh kinh tế - xã hội là tốt nhưng nó thường có những tác động tiêu cực đến giao thông như kẹt xe, tai nạn, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, TP cần thường xuyên triển khai sâu rộng các phương pháp đánh giá tác động giao thông, loại bỏ các xung đột tiềm ẩn giữa giao thông phát sinh/thu hút do phát triển, giao thông quá cảnh và giao thông địa phương. Từ đó, TP đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn và hiệu quả.

Thứ tư, như một xu thế tất yếu, quy hoạch phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) lấy yếu tố con người làm trung tâm với những tầm nhìn bao quát và toàn diện hơn về môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội… là một chiến lược phát triển được cho là thông minh và bền vững. Điều này đòi hỏi cần phải có những mô hình TOD cùng với các tiêu chí phát triển phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Thứ năm, việc giảm tải áp lực cho giao thông là một yếu tố rất quan trọng để cân bằng sự đầu tư hạ tầng giao thông với tốc độ gia tăng phương tiện bằng các giải pháp về giao thông công cộng khối lượng lớn như metro, BRT…

Thứ sáu, về lâu dài, TP.HCM cần triển khai đồng bộ các quy hoạch, tránh cái làm trước, cái làm sau; tránh tình trạng tự dẫn đến các nút thắt cổ chai. Đồng thời ở phạm vi các nút giao cần để lại một khoảng lùi dự trữ trong tương lai để xử lý các vấn đề phát sinh mới.•

Đường sắt đô thị là trục xương sống

Lãnh đạo TP.HCM, các nhà quản lý đã nhìn nhận hệ thống giao thông công cộng là xương sống của hệ thống giao thông - đó chính là đường sắt đô thị, là hệ thống metro.

Hiện hàng loạt nút thắt cổ chai như Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh, các tuyến đường xung quanh sân bay, các cầu chưa được đầu tư đồng bộ… Nhiều năm nay hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư song thực tế chưa thể đáp ứng được lượng xe cá nhân tăng lên mỗi ngày. Vì vậy, hạ tầng giao thông đang chịu một áp lực rất lớn, đòi hỏi phải có “xương sống” giao thông để “gánh” nhu cầu đi lại như hiện nay.

TP.HCM đã quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị với hàng chục tuyến, với hơn 220 km trong 12 năm tới. Đó là một bài toán tổng thể và chiến lược của cả hệ thống chính trị. Suy cho cùng, chỉ có hệ thống đường sắt đô thị mới có thể hạn chế các điểm ùn ứ, giảm xe cá nhân, từ đó xóa được các nút thắt cổ chai.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của hơn 10 năm tới. Bởi hiện TP.HCM đang tiếp tục xây dựng, mở rộng mạng lưới xe buýt, đặc biệt là tạo thói quen đi lại cho người dân, tăng cường kết nối với các ga metro số 1 trong tương lai.

Bên cạnh đó, TP cần xem xét, thay thế việc sử dụng xe buýt loại to, cồng kềnh bằng xe buýt loại trung đối với các tuyến xe buýt hiệu quả thấp; sử dụng các xe buýt thế hệ mới thân thiện với môi trường để thu hút người sử dụng.

Đồng thời, TP cần sớm cải tạo, mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh theo quy hoạch, phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường; có các chính sách hợp lý để giãn dân khỏi khu vực nội đô như hạn chế dự án chung cư mới ở nội đô, chuyển bến xe, nhà ga, trường ĐH ra ngoại ô…, cũng như giảm thiểu xe cá nhân, tích cực sử dụng giao thông công cộng.

ThS ĐOÀN HỒNG ĐỨC, Trường ĐH GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm