TP.HCM nỗ lực xóa những nút thắt cổ chai - Bài 1

Nỗi khổ giờ cao điểm ở các cửa ngõ, nút thắt cổ chai

(PLO)- Thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm, kẹt xe kéo dài không kể giờ cao điểm hay lễ, Tết là điểm chung của nhiều tuyến đường cửa ngõ, nhiều nút giao ở TP.HCM hiện nay khiến người dân vô cùng ngao ngán.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM Kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030. Trong kế hoạch này, Sở GTVT đã chú trọng triển khai mở rộng nhiều tuyến đường hiện là những nút thắt cổ chai tồn tại thời gian dài ở TP. Việc khơi thông, mở rộng những nút thắt cổ chai này nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng diện mạo đô thị và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều năm qua, một số nút thắt cổ chai ở TP.HCM đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân TP. Có thể kể đến các nút thắt cổ chai Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh - Cộng Hòa, Trường Chinh - Âu Cơ (quận Tân Phú); cầu Kênh Tẻ - đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); đường Nguyễn Tất Thành (quận 4); các đường Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt (TP Thủ Đức); các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Chu Văn An (quận Bình Thạnh)…

Phía tây, nam: Thoát điểm ùn ứ này gặp điểm kẹt xe khác

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, dù cao điểm hay thấp điểm, khoảng 600 m nút thắt cổ chai Tân Kỳ Tân Quý luôn ùn ứ, kẹt xe kéo dài bởi sự xung đột giữa các dòng xe. Không thể di chuyển được, nhiều xe phải lấn làn, vượt ẩu biến nút thắt cổ chai này thành đường một chiều khiến cho các xe di chuyển ở chiều ngược lại không còn lối thoát.

Tân Kỳ Tân Quy.JPG
Nút thắt cổ chai Tân Kỳ Tân Quý. Ảnh: ĐÀO TRANG

Là con đường đi làm quen thuộc, chị Đặng Thị Huệ Như (ngụ quận Tân Phú) cho biết vào giờ cao điểm sáng và tối, để qua được 600 m đường Tân Kỳ Tân Quý, chị phải mất 20 phút. Đều đặn mỗi ngày hàng trăm xe xếp hàng dài, nhích từng chút một qua nút giao Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh. Sau khi qua được nút giao này, chị Huệ tiếp tục vượt qua nạn kẹt xe trên đường Trường Chinh, Cộng Hòa để đến chỗ làm.

Ông Trần Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình, cho biết nút giao Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh đã trở thành điểm nóng lâu năm của bốn phường. Đây là nút thắt cổ chai, thường xuyên xảy ra ùn ứ, vì vậy bốn phường phải cử lực lượng túc trực thường xuyên để phân luồng, giúp người dân đi lại thuận tiện. “Kẹt xe, ùn ứ đã trở thành điểm nóng của nút giao Tân Kỳ Tân Quý, vì vậy địa phương rất mong được mở rộng để gỡ nút thắt cổ chai này” - ông Tùng kỳ vọng.

Tương tự, ở phía nam TP, khu vực cầu Kênh Tẻ đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ nối quận 7 với quận 4 cũng trở thành nút thắt cổ chai nhiều năm liền. Mỗi ngày từng hàng dài xe phải xếp hàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ để di chuyển vào trung tâm TP. Vào giờ cao điểm, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn khi dòng xe từ hai bên cầu nối đuôi nhau, nhích từng chút một để vượt qua đoạn cầu chỉ vài trăm mét. Sở dĩ cầu Kênh Tẻ biến thành nút thắt cổ chai vì đường Nguyễn Hữu Thọ rộng tới 30 m nhưng cầu Kênh Tẻ chỉ rộng khoảng 15 m.

Ngoài khu vực cầu Kênh Tẻ thì đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) là một trong ba trục giao thông chính kết nối từ phía nam TP với trung tâm TP cũng là điểm nghẽn nhiều năm nay.

Anh Nguyễn Việt Anh (ngụ quận 7) nói: “Mỗi ngày tôi buộc phải ra khỏi nhà từ 6 giờ để tránh kẹt xe. Ngày không kịp đi làm sớm thế nào tôi cũng bị kẹt lại giữa dòng xe ken đặc trên đường. Đến công ty trễ là bị trừ ngày công”.

Phía đông, đông bắc cũng tắc tị

Khu vực phía đông bắc TP cũng tồn tại nhiều nút thắt cổ chai đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Điển hình phải kể đến khu vực ngã năm Đài liệt sĩ, các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Chu Văn An (quận Bình Thạnh)… Đây là các tuyến đường mà người dân ở các quận, huyện, tỉnh, thành lân cận “quá giang” vào khu vực trung tâm TP.HCM.

Tại khu vực ngã năm Đài liệt sĩ, các tuyến đường hiện hữu chỉ hơn 10 m. Trong khi đó, Quốc lộ 13 đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã mở rộng lên 60 m, đoạn trên địa bàn TP.HCM từ 30 m cũng sẽ được mở rộng lên 50-60 m. Như vậy, các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh vốn đã tắc tị, ùn ứ liên tục sẽ có nguy cơ ùn ứ nghiêm trọng hơn trong tương lai khi hàng loạt tuyến đường kết nối đều mở rộng lên 60 m.

Phía đông TP, tại khu vực cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) cũng là một nút thắt cổ chai trên đường Võ Nguyên Giáp. Vào giờ cao điểm sáng và chiều, giao thông qua khu vực luôn trong tình trạng ùn ứ, di chuyển chậm. Các xe di chuyển thường xuyên phải xếp hàng, nhích từng chút một để qua cầu Rạch Chiếc.

Nút thắt cổ chai.JPG
Ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức (TP.HCM) vào giờ cao điểm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sở dĩ cầu Rạch Chiếc biến thành nút thắt cổ chai vì cầu chỉ rộng 48 m, được tổ chức giao thông 10 làn xe. Trong khi đó, tuyến đường huyết mạch Xa lộ Hà Nội rộng 142 m, được tổ chức giao thông 16 làn xe. Đặc biệt, đây là tuyến đường chính để các xe di chuyển vào trung tâm TP, một số khác sẽ di chuyển vào cảng Cát Lái - Phú Hữu.

Tương tự, ngã tư đình Phong Phú - Lê Văn Việt, đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) cũng đang là những điểm nghẽn về giao thông khi các tuyến đường này đều là trục đường chính của khu vực với lượng xe qua lại mỗi ngày rất đông nhưng mặt đường rất nhỏ hẹp. Đặc biệt khi trời mưa, các tuyến đường này gần như tê liệt vì ngập nước, kẹt xe.

Kẹt xe, ùn ứ đã trở thành điểm nóng của nút giao Tân Kỳ Tân Quý, vì vậy địa phương rất mong được mở rộng để gỡ nút thắt cổ chai này.”

Giải pháp tình thế để xóa nút thắt cổ chai

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 8,5 triệu xe máy, 1 triệu mô tô và hàng triệu phương tiện đi ngang TP. Nếu đưa hơn 9 triệu phương tiện ra xếp trên các tuyến đường ở TP thì cần có hai lần mặt đường mới đủ chỗ đậu.

Nhìn nhận thực tế, năm năm qua TP.HCM đã tích cực đầu tư hạ tầng giao thông, tuy nhiên nguồn lực có phần hạn chế nên TP phải lựa chọn, ưu tiên đầu tư. Năm năm qua, TP đã triển khai khá nhiều dự án giao thông song cũng chỉ tăng được 1% mà chủ yếu ở ngoại thành.

IMG_3241.webp
Khu vực cầu Kênh Tẻ. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo ông An, để làm hết các dự án theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần tới 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay TP.HCM mới chỉ làm được các dự án với số tiền hơn 100.000 tỉ đồng. Do những hạn chế về nguồn lực, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn nên TP đã đưa ra một số phương án như điều tiết giao thông, điều chỉnh giao thông ở một số tuyến đường, điều chỉnh đèn tín hiệu. Đến nay một số tuyến đường đã tăng tốc độ lưu thông lên đến 36 km/giờ (trước đó chỉ khoảng 28 km/giờ).

“Đánh giá thực tế, hạ tầng không thể đáp ứng hết lượng phương tiện nên TP đưa ra một số giải pháp như hạn chế phương tiện đi qua TP, xe tải đi qua trung tâm, xe khách trên 50 chỗ vào trung tâm TP.HCM. Đồng thời mở rộng mạng lưới xe buýt, vận hành tuyến metro số 1 và tiến tới hạn chế giao thông cá nhân cùng với việc sớm khép kín các tuyến vành đai nên hạ tầng giao thông sẽ cải thiện” - ông An cho hay.

Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng cầu vượt thép được TP.HCM triển khai từ năm 2013 đã giúp xóa nhiều điểm ùn ứ ở các nút giao. Hàng loạt cầu vượt thép ở TP.HCM đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua để giảm ùn ứ, xung đột giữa các dòng xe.

Đáng chú ý là cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, cầu vượt Nguyễn Kiệm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, cầu vượt ngã tư Thủ Đức. Nhiều năm qua, diện tích mặt đường không tăng song dân số và lượng phương tiện tăng ngày càng nhiều nên đây là giải pháp tình thế, cấp bách và giải quyết nhanh được các điểm ùn ứ.•

Ùn ứ, kẹt xe ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực

Tình trạng ùn ứ, kẹt xe ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể là tăng chi phí vận chuyển do tăng chi phí nhiên liệu và thời gian lãng phí của người lao động. Doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn do quá trình vận chuyển hàng hóa lâu hơn, khi đó sẽ giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh; người lao động giảm năng suất do thời gian di chuyển dài hơn.

Bên cạnh đó, xe sẽ thải ra lượng khí thải cao hơn so với khi xe đang di chuyển sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng xe và môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt là gây cảm giác khó chịu, bực bội cho tài xế vì tốn thời gian chờ đợi trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói bụi và tiếng ồn.

Tình trạng ùn ứ, kẹt xe còn ảnh hưởng tới thu hút đầu tư. Cụ thể, làm tăng chi phí vận chuyển và sử dụng lao động, làm giảm sự hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư do lo ngại về chi phí. Hạ tầng giao thông yếu kém gây lo ngại và mất niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển bền vững của khu vực. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể chọn các khu vực có hệ thống giao thông tốt hơn để đầu tư thay vì các khu vực thường bị kẹt xe.

TS TRỊNH TUẤN HÙNG, Trường ĐH GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm