Chiều tối 25-4, tại khu vực TP.HCM và vài tỉnh lân cận xuất hiện hiện tượng mưa đá. Kích thước hạt mưa nhỏ, chỉ kéo dài trong vài phút. Tuy mưa đá xuất hiện nhanh và với kích thước nhỏ nhưng cũng khiến khá nhiều người dân lo lắng.
TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển mùa. Ảnh: NC
Anh Nguyễn Anh Hạnh (ngụ quận 12, TP.HCM) cho hay đây là lần đầu thấy hiện tượng này, tuy chúng không gây hại cho con người như những vùng khác nhưng cũng gây cho người dân nhiều lo lắng.
“Không rõ hiện tượng này có còn xuất hiện nữa hay không, chứ nhiều lúc đi ra ngoài đường mà gặp mưa đá nặng sẽ nguy hiểm” - anh Hạnh cho biết.
Lý giải về hiện tượng mưa đá ở TP.HCM, ThS Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết mưa đá có sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Miền Bắc thường xuất hiện mưa đá nhiều hơn, kích thước hạt mưa đá cũng lớn hơn so với mưa đá xảy ra ở miền Nam. Do miền Bắc có địa hình đồi núi nhiều, địa hình miền Nam bằng phẳng.
“Trong quá khứ đã có mưa đá xảy ra ở miền Nam ở diện khá rộng, trong đó có cả TP.HCM. Kích thước hạt mưa đá ở miền Nam nhỏ khoảng 1 cm. TP.HCM những ngày gần đây rất nóng và oi bức. Khi thời tiết nóng hơn, hơi nước bốc lên nhiều hơn, bị đẩy lên cao và hình thành mây đối lưu. Càng lên cao càng lạnh nên các hạt hơi nước bị đóng băng. Nhiều hạt bám vào nhau và rơi xuống tạo thành mưa đá” - bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, sắp tới hiện tượng mưa đá có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ở miền Nam, do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa.
“Sắp tới cả nước, đặc biệt là miền Nam sẽ nóng lên. Buổi chiều sẽ có mưa dông. Mưa dông vào thời gian chuyển mùa sẽ rất nguy hiểm. Bà con cần cảnh giác với những cơn mưa đầu mùa vì có thể xảy ra hiện tượng sấm sét, dông,…rất nguy hiểm" - bà Lan nói.