Chiều 29-8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP (ITPC) phối hợp cùng Sở Du lịch tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) ngành du lịch và chính quyền TP.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị: “Những kiến nghị của DN là chất liệu quan trọng để trung ương và TP ban hành triển khai chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch”.
Nghị quyết 98 hỗ trợ ngành du lịch thế nào?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, đặt vấn đề về việc tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết (NQ) 98/2023/QH15 trong lĩnh vực du lịch, TP dự kiến sẽ đầu tư trọng tâm những yếu tố nào?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Sở Du lịch TP.HCM, cho biết NQ98 có nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc hiện nay của ngành du lịch trong việc phát triển sản phẩm du lịch chủ lực và sản phẩm chiến lược. NQ98 cho phép TP có cơ chế riêng quản lý đầu tư, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Theo bà Thảo, NQ98 cho phép TP được quyền tự chủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi dưới 500 ha, theo đó TP có thể chủ động điều chỉnh quy hoạch kêu gọi đầu tư sản phẩm chiến lược liên quan đến sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp. Hiện nay du lịch sinh thái nông nghiệp đang vướng rất nhiều. Việc phát triển du lịch cần có mặt bằng nhà nghỉ, nhà chờ, homestay... nhưng hiện trạng đất của các huyện là đất nông nghiệp.
“Trong tháng 9, Sở Du lịch trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch cụ thể, kết hợp thực hiện giữa NQ98 và NQ82 của Chính phủ về phát triển du lịch” - bà Thảo thông tin.
TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông kết nối giữa TP và các tỉnh lân cận. Ảnh: THU TRINH |
Liên quan đến vấn đề về chính sách visa mới có hiệu lực từ ngày 15-8 mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch cũng được các DN du lịch quan tâm.
Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối Du lịch quốc tế Công ty Lữ hành Saigontourist, đặt câu hỏi: “Các quy định, cơ chế nào hiện nay giúp hỗ trợ mở rộng chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam, cụ thể là miễn visa cho toàn bộ công dân khối EU, Mỹ, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Sở, ngành TP có giải pháp gì để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, Cục Quản lý xuất nhập cảnh... Để từ đó có cơ chế thông thoáng hơn, giải quyết khó khăn cho DN hoạt động du lịch”.
Về vấn đề này, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM cho rằng các quy định đã nới rộng rất nhiều về diện cấp, điều kiện cấp thị thực và điều kiện cư trú của người nước ngoài. Các DN lữ hành có thể vận dụng các quy định mới để thu hút khách du lịch. “Những kiến nghị trên là vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Do đó, Công an TP sẽ chuyển nội dung này cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để tập hợp báo cáo Chính phủ xem xét theo thẩm quyền” - Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM cho hay.
Đảm bảo an ninh du lịch
Ông Thái Doãn Hồng, Công ty CP Du lịch Công đoàn, đánh giá ngành du lịch đã có nhiều sáng tạo, đổi mới thu hút khách du lịch. Chính sách visa mới khiến du khách nước ngoài đến TP nhiều hơn nên ông rất trăn trở về vấn đề an ninh du lịch.
Bên cạnh đó, theo ông Hồng, vấn đề về bãi đậu xe công cộng cũng cần được Sở Du lịch quan tâm. Bãi xe TP đang thiếu, gần như xe vào nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... tài xế đều hối du khách “xuống lẹ... xuống lẹ” vì sợ bị công an phạt. “Các công ty du lịch có chuyến caravan đến TP, đoàn xe 40 chiếc muốn đến khách sạn thì sắp xếp như thế nào?” - ông Hồng đặt câu hỏi.
Ông Hồng đề xuất Sở Du lịch cần làm việc với Sở GTVT rà soát các điểm để “chấm” là điểm dừng đỗ được đưa đón khách du lịch và thời gian được phép dừng đỗ. TP sẽ ưu tiên nơi khai thác hiệu quả, khu điểm du lịch, khách sạn có lượng khách du lịch lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT), chia sẻ: “Chúng tôi sẽ có văn bản chỉ đạo đơn vị của sở, kiến nghị quận 1, quận 3 và lực lượng liên quan xử lý đối với trường hợp dừng đỗ mà không đón khách”.
Theo ông Vinh, để đáp ứng nhu cầu của du khách, dự kiến Trung tâm Quản lý giao thông công cộng bố trí bãi đậu xe tạm. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ bố trí nhà lắp ghép một số vị trí như Công viên Lê Lai, Công trường Lam Sơn, Nhà hát Bến Thành… Trong thời gian tới, sở sẽ sớm báo cáo đề xuất UBND TP để có cơ chế đầu tư hệ thống bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch.•
Phát triển du lịch bền vững ở Cần Giờ
Về quảng bá sản phẩm OCOP, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Cần Giờ, Sở Du lịch cho biết đã thí điểm kết hợp du lịch sinh thái và quảng bá sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, do một số chính sách nên việc phát triển du lịch Cần Giờ còn hạn chế như hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Vì vậy, TP thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch Cần Giờ.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá cao mô hình hoạt động của các đơn vị du lịch ở Cần Giờ. Phát triển du lịch Cần Giờ đảm bảo môi trường, hướng đến du lịch xanh, du lịch sinh thái làm sao không bị phá đi.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, thông tin thêm hiện trung tâm cũng đã phối hợp với Sở Công Thương TP xây dựng thương hiệu OCOP cho Cần Giờ và quảng bá rộng rãi đến khách du lịch. “Tôi tin chắc trong thời gian tới với sự quan tâm của lãnh đạo TP, sự vào cuộc của DN du lịch, chính quyền địa phương, sản phẩm OCOP Cần Giờ sẽ được quan tâm” - ông Lữ chia sẻ.