Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, số ca dương tính với virus tăng nhanh chóng, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất TP huy động lực lượng học sinh, sinh viên, tổ dân phố cùng nhau tham gia phòng, chống dịch để đạt kết quả tốt hơn.
Theo Bộ Trưởng, TP.HCM đã thành lập Ủy ban Phòng chống dịch cách đây vài ngày, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng đã được tiến hành nhưng đó cũng chỉ là biện pháp “hạ hỏa” tạm thời. Vấn đề cốt lõi hiện tại vẫn là tiêu diệt lăng quăng, xử lý các vật chứa nước hằng ngày.
Các bà mẹ mang thai nên khám thai định kỳ để được các bác sĩ tư vấn kịp thời về dị tật. Ảnh: HTD
“Cần chống dịch giống như hình mẫu Singapore, phải tiêu diệt hết lăng quăng thì chắc chắn muỗi sẽ không còn. Chúng ta nên huy động lực lượng học sinh, sinh viên vào thứ Bảy và Chủ nhật cùng đến các nhà dân, các khu vực công cộng nhặt vỏ chai, lon sữa, úp các vật dụng chứa nước, xử lý lăng quăng trong các vật dụng như bình hoa, bể cá... Muỗi vằn (Aedes Aegyptie) là loại muỗi “quý phái”, chúng không những sống trong nước bẩn mà sống cả ở nước sạch chứa lâu ngày, hoạt động chủ yếu tầm 9-10 giờ sáng. Do đó, khẩu hiệu chống dịch phải là diệt lăng quăng, như thế mới có hiệu quả” - bà Kim Tiến chỉ đạo.
Đánh giá công tác phòng, chống dịch hiện nay, ông Vũ Ngọc Long, Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng phun hóa chất diệt muỗi chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, biện pháp này không có tính bền vững do về lâu dài, việc phun hóa chất liên tục có thể dẫn đến tình trạng kháng hóa chất ở muỗi.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề xuất gỡ vướng mắc cho Sở Y tế và UBND TP.HCM về vấn đề chi phí cho người phòng, chống dịch. Theo Bộ trưởng, TP.HCM đã công bố dịch, vì vậy không phân biệt cộng tác viên hay cán bộ, nhân viên y tế mới được nhận bồi dưỡng phòng, chống dịch. Đối với những người làm công tác phun hóa chất, diệt lăng quăng đã được xem là đi vào vùng dịch, do đó phải được hưởng bồi dưỡng, trợ cấp theo đúng quy định.
Nên khám thai định kỳ để được tư vấn Liên quan đến các hội chứng do virus Zika gây ra, ngày 8-11, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết các bằng chứng khoa học gần đây cho thấy phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, đặc biệt trong ba tháng đầu thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng Zika bẩm sinh (bao gồm đầu nhỏ), là một dạng khuyết tật về cấu trúc và chức năng gây tổn thương thứ cấp đến hệ thống thần kinh trung ương, thậm chí có thể cả hệ thống thần kinh ngoại biên và các khuyết tật về nhận thức, giác quan, vận động trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, kể cả trong ba tháng đầu sinh ra, đều mắc hội chứng Zika bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, nên khám thai định kỳ. Trường hợp nào cần thiết sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm. Với phụ nữ bình thường, nếu có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika, nên có sự tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ y tế để quyết định thời điểm mang thai. |