Công an quận 2, TP.HCM đang điều tra vụ thanh niên tông vào dải bê tông đặt ở làn xe máy trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Xung quanh việc đặt dải bê tông cưỡng bức chống ô tô này, nhiều người cho là dải bê tông không cần thiết vì quá nguy hiểm, trong khi đơn vị đặt dải bê tông lại cho hay đã tuân thủ quy định về an toàn.
Chống ùn tắc nhưng gây nguy hiểm
Khoảng 18 giờ ngày 12-3, xe máy do anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng từ Đỗ Xuân Hợp đi đường Mai Chí Thọ, khi đến vị trí Km 2+800 thì đã tự té tử vong.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân tông mạnh vào dải phân cách bê tông đặt giữa làn đường xe máy. Nạn nhân tử vong tại chỗ do vết thương quá nặng ở phần đầu, xe máy thì văng xa.
Nhận được tin, Đội CSGT quận 2 (TP.HCM) và Cục CSGT (C08 Bộ Công an) đã có mặt để điều tiết giao thông và xử lý vụ tai nạn.
Một đại diện Công an quận 2 thông tin: Dải phân cách để ngăn cản ô tô vào làn xe máy nhưng việc này là không cần thiết vì gây nguy hiểm cho người đi xe máy. Bước đầu điều tra thì do nạn nhân đi với tốc độ cao (chưa xác định rõ tốc độ vì không có camera tại hiện trường). Khi thấy vật cản thì không kịp phản xạ nên tông vào.
Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn do thanh niên va dải bê tông dẫn đến tử vong. Ảnh: NT
Rà soát, thay bằng cao su
Sau khi sự việc xảy ra, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết: Năm 2016, 2017 tại khu vực xảy ra tình trạng ô tô đi vào làn xe máy, gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Từ thực tế đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thuộc Sở GTVT TP đã đề xuất và phối hợp với địa phương là quận 2 đưa ra phương án lắp dải phân cách ngăn ô tô đi vào. Đây là biện pháp mang tính chất cưỡng bức nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe máy, không gây ùn tắc.
Việc lắp đặt đã phát huy hiệu quả, Công an quận 2 và Khu 2 cho biết lâu nay không ghi nhận vụ việc va chạm nào.
“Khi gắn dải phân cách, Sở GTVT cũng cho gắn đầy đủ hệ thống cảnh báo theo Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ của Bộ GTVT. Bao gồm biển báo “Đi chậm”, biển cảnh báo “Có chướng ngại vật” phía trước, năm gờ giảm tốc và một số cọc tiêu cảnh báo” - ông Đường nói thêm.
Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ cũng khẳng định thời điểm xảy ra vụ tai nạn là 18 giờ ngày 12-3 với điều kiện ánh sáng “tương đối chứ không phải tối, trời vẫn sáng”, sau đó 18 giờ 10 thì hệ thống chiếu sáng mới mở.
Quy chuẩn 41 không quy định những trường hợp cụ thể nhưng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, việc thiết kế, tổ chức giao thông tùy thuộc vào từng địa phương nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân. Trường hợp cụ thể ở đường dẫn cao tốc, nếu Sở GTVT TP.HCM lắp đặt vật cản trên thì buộc phải cảnh báo từ xa và tại chỗ cho người tham gia giao thông nhận biết, nếu không thì phải xem lại. Một lãnh đạo Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) |
“Như vậy điều kiện hạ tầng, hệ thống biển báo đầy đủ. Trong gần hai năm đưa vào khai thác thì không có sự cố gì xảy ra. Nếu người dân tuân thủ hệ thống biển báo, quy định tốc độ thì sẽ không xảy ra sự cố” - ông nói.
Nói về trách nhiệm của Sở GTVT sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông nhìn nhận: Đây là một sự cố đáng tiếc không ai mong muốn, còn lỗi do hạ tầng hay người tham gia giao thông thì phải chờ công an điều tra. “Trường hợp tai nạn là ngoài ý muốn” - ông nói.
Ông khẳng định Sở GTVT sẽ cho rà soát các vị trí lắp dải phân cách trên địa bàn để thay đổi vật liệu bằng cao su, phòng ngừa sự cố va đập sẽ giảm thấp nhất chấn thương. Đồng thời, Sở cũng tăng cường các hệ thống cảnh báo như gờ giảm tốc, cọc tiêu phản quang...
Ngoài ra, Sở GTVT sẽ nghiên cứu lắp camera để xử phạt việc ô tô đi vào làn xe máy. “Về lâu dài sẽ triển khai đầu tư và đưa vào khai thác đường song hành cao tốc để xe máy lưu thông, tách biệt làn đường xe máy và ô tô” - ông nói.
Vị đại diện Sở GTVT cũng bày tỏ mong muốn người lái xe cần chú ý quan sát hệ thống biển báo, làm chủ tay lái, khi uống rượu bia thì không lái xe.
Có đặt biển báo cũng không đúng Theo luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016) không có dải phân cách nào được phép đặt giữa làn xe máy. Cụ thể, Điều 85 của quy chuẩn định nghĩa rất rõ: Dải phân cách đặt ở tim đường và sử dụng để phân chia giữa hai chiều xe chạy thì gọi là dải phân cách giữa; khi dải phân cách sử dụng để phân chia phần đường chính và phần đường bên hoặc phân chia giữa phần đường xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại phương tiện khác nhau trên cùng một chiều giao thông thì gọi là dải phân cách bên. Dải phân cách cố định là dải phân cách có vị trí cố định trên phần đường xe chạy. Dải phân cách cố định gồm các loại cơ bản là: Dải phân cách dạng bó vỉa bên trong đổ đất trồng cây (đối với dải phân cách rộng), có thể sử dụng kết hợp lan can phòng hộ nửa cứng hoặc mềm; dải phân cách có dạng một dải đất xen kẹp giữa các phần xe chạy, có dạng lõm xuống hoặc tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên, có thể sử dụng kết hợp lan can phòng hộ nửa cứng hoặc mềm; dải phân cách sử dụng lan can phòng hộ cứng xây cố định trên mặt đường… Luật sư Nghĩa cho rằng việc đặt dải phân cách nhằm “chống”, “không cho” ô tô đi vào làn xe máy là không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn 41. Trường hợp ô tô lưu thông không theo biển báo, làn đường quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính. Cơ quan chức năng không thể lấy lý do “sợ”, “chống” ô tô chạy vào làn đường xe máy để đặt dải bê tông nên dù có đặt biển báo, chỉ dẫn thì cũng không đúng quy định. Chỉ các công trình giao thông đang xây dựng, sửa chữa mới được phép đặt tạm thời các tấm bê tông, vật cản... nhưng vẫn phải có các biển báo, đèn báo an toàn và có người hướng dẫn, chỉ đường để không xảy ra các sự cố. Dải phân cách do Khu 2 lắp đặt nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm trong tai nạn của anh thanh niên và gia đình nạn nhân có các quyền theo quy định pháp luật. NGÂN NGA ghi |