Chiều 1-12, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như đã thông tin về vấn đề liên quan đến hai phòng khám đa khoa Quốc tế (quận 1, TP.HCM) và phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5, TP.HCM) bị tước quyền khám chữa bệnh nhưng vẫn hoạt động khám chữa bệnh.
Bà Như cho biết, trong năm 2022, Sở Y tế đã phối hợp với Công an TP, phòng y tế Quận 1 và Quận 5 tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với phòng khám đa khoa Quốc tế 2 lần và xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với số tiền 276 triệu đồng. Đối với phòng khám đa khoa Hồng Phong, Sở đã kiểm tra 4 lần, xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với tổng số tiền 235 triệu.
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tại họp báo. Ảnh: VÕ THƠ |
Bên cạnh đó, gần đây Sở Y tế đã phối hợp với phòng y tế quận 1 và quận 5 tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với 2 phòng khám nêu trên, và xác định phòng khám đa khoa Quốc tế, phòng khám đa khoa Hồng Phong đã tiếp tục vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, đối với vi phạm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, các đơn vị bị xử phạt 100 triệu đồng, hình thức bổ sung là đình chỉ hoạt động trong 24 tháng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã đăng tải kết quả xử phạt trên trang thông tin điện tử của Sở để người dân biết và cùng giám sát hoạt động của các phòng khám.
"Người dân khi phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực y tế cần kịp thời phản ánh qua ứng dụng Y tế trực tuyến, điện thoại trực tiếp đến Thanh tra Sở, hoặc gửi đơn thư về Sở để xử lý các hành vi vi phạm nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước", Phó Chánh văn phòng Sở Y tế khuyến cáo.
Theo bà Như, tính đến ngày 3-11-2022, trên địa bàn TP.HCM có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, tức là có vốn nước ngoài hoặc có nhân sự nước ngoài tham gia các hoạt động khám chữa bệnh. Và hiện số bác sĩ nước ngoài đang làm việc ở các cơ sở này là hơn 120 người.
"Trước những hành vi vi phạm cứ tái diễn và chỉ xảy ra ở một số cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài thì Sở Y tế cũng đã có kiến nghị và góp ý với dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)", bà Như cho biết.
Cụ thể, cần quy định bác sĩ người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.
Đồng thời, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết trong thời gian tới Sở Y tế cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm trong quá trình khám chữa bệnh của các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài và các phòng khám khi có thông tin phản ánh từ người dân.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, ngày 25-11 đơn vị đã nhận được 10.000 liều vaccine Sởi và 5.140 liều vaccine DPT (Ho gà- uốn ván- bạch hầu) do Bộ Y tế phân bổ. Riêng vaccine DPT có hạn sử dụng đến ngày 17/12.
Theo đó, Trung tâm đã phân bổ về ngay cho các quận, huyện và tiến hành tiêm ngay sau đó. Hiện TP còn thiếu 3 loại vaccine là MMR phòng 3 bệnh gồm Sởi, Quai bị và Rubella, loại vaccine này đã hết từ tháng 10; riêng vaccine viêm não nhật bản và vaccine OPV là vaccine phòng ngừa bại liệt dạng uống thì hết từ tháng 11.