TP.HCM: Thầy cô đi học để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

(PLO)- Hơn 2.700 thầy cô là lãnh đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn TP.HCM tham gia các lớp tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-7, tại Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1), Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn TP năm học 2024-2025.

an-toan-thuc-pham-1-2359.jpg
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. ẢNH: DUY NGUYỄN

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là một trong những nội dung quan trọng được phụ huynh, xã hội và ngành quan tâm; thuộc trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị.

Theo ông Dũng, nhu cầu gửi con học cả ngày ở trường, trong đó có yêu cầu về tổ chức bữa ăn bán trú của phụ huynh khá lớn.

an-toan-thuc-pham-3.JPG
Hội nghị tập huấn về an toàn thực phẩm trong trường học thu hút nhiều thầy cô tham dự. Ảnh; NGUYỄN QUYÊN

Trong khi đó, cán bộ quản lý trường học không phải những nhà chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ làm công tác quản lý nhà nước, trong đó có nội dung này.

Do đó, hàng năm, Sở GD&ĐT TP.HCM đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong trường học.

Việc tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện đối với đối tượng lãnh đạo phòng GD&ĐT, Trung tâm GDTX, trường THPT, trường THCS, trường tiểu học, trường mầm non trên địa bàn. Số lượng là 2.744 người tham gia, chia thành 5 lớp, diễn ra trong giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2024.

an-toan-thuc-pham-4.JPG
Việc tập huấn tập trung vào 3 chuyên đề chính, xoay quanh các quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm hiện nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chương trình tập huấn gồm các nội dung xoay quanh các quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm hiện nay, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm; video clip diễn tập và điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm; Hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, TP.HCM cho rằng trong thời gian qua, dù các địa phương khác xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn nhưng tại TP.HCM sự an toàn vẫn được giữ vững. Đó là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục đào tạo và Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

an-toan-thuc-pham.jpg
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: DUY NGUYỄN

“Tôi mong trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, chủ động hơn nữa trong việc cung ứng bữa ăn cho các con. Nhiệm vụ nặng nề nhưng tôi tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ban ngành, sự tham gia tích cực của các thầy cô, công tác này sẽ hoàn thành và làm cho TP.HCM là một điểm giáo dục an toàn với thực phẩm, để phụ huynh, học sinh yên tâm khi sử dụng bữa ăn tại trường” – bà Lan nói

Bà Lan cũng đề nghị các đơn vị trường học, trong quá trình chọn lựa thực phẩm, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tối thiếu, cần tăng cường sử dụng những thực phẩm có tiêu chuẩn cao hơn ví dụ như Vietgap, global gap của ngành nông nghiệp, chuỗi thực phẩm an toàn.

“Tôi hiểu thầy cô chịu rất nhiều áp lực khi lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú hay tổ chức căng tin trường học. Trong quá trình này, thầy cô chắc sẽ bắt gặp nhiều lời giới thiệu. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi mong thầy cô luôn chú ý đến tiêu chuẩn cũng như đặt chất lượng bữa ăn lên hàng đầu. Đối với các đơn vị cung ứng suất ăn, các đơn vị phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ” – bà Lan nói.

Chương trình tập huấn tập trung vào 3 chuyên đề

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, chương trình tập huấn sẽ tập trung vào 3 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Nghị định số 155/2018 sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm.

Chuyên đề 2: Ngộ độc thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm; Quyết định 1246/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống"; hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra.

Chuyên đề 3: Nghị định số 115/2018 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;

Nghị định số 124/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm