Nói đến phát triển đô thị TP.HCM theo hướng Nam, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, ngoài khu đô thị hiện hữu này, một diện mạo khác cũng đang dần hình thành dọc theo các trục đường chính nối quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ.
Lấy giao thông làm “nền”
Vào những ngày cuối tháng 3-2018, khi cầu Vàm Sát 2 được khởi công thì đất nền ở khu vực lân cận đã rục rịch tăng giá. Điều này cũng dễ hiểu vì mục tiêu xây dựng cầu Vàm Sát 2 nhằm khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn kết nối giao thông giữa các xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ và kết nối với trung tâm TP.HCM. Cây cầu này còn góp phần tăng khả năng lưu thông giữa Cần Giờ với huyện Cần Giuộc (Long An) và huyện Gò Công ( Tiền Giang).
Trước đó, khi hệ thống hầm chui tại ngã tư Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ được khởi công xây dựng, hay đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn thuộc địa bàn huyện Nhà Bè) được sửa chữa nâng cấp cũng đã tạo ra được những tín hiệu vui về cải thiện hạ tầng giao thông cho khu vực phía Nam. Tiếp đến, khi dự án đường trục Bắc-Nam từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh, cầu Thủ Thiêm 4 nối từ đường Nguyễn Văn Linh với khu vực Thủ Thiêm được xây dựng hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông đô thị phía Nam chắc chắn sẽ được lột xác.
Đường Nguyễn Hữu Thọ, trục giao thông chính ở phía Nam theo hướng tiến ra biển, đang hình thành những khu dân cư mới ở hai bên. Ảnh: PC
Liên quan đến phát triển giao thông khu vực phía Nam nói riêng và của TP.HCM nói chung, Sở QH-KT TP cũng đang thực hiện một nghiên cứu chuyên đề có tên “Phát triển TOD (định hướng), tăng cường năng lực giao thông TP” nhằm phục vụ công tác điều chỉnh quy hoạch cho TP. TOD là chữ viết tắt của cụm từ Transit Oriented Development, có nghĩa là lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị. Trong đó, lấy đầu mối giao thông để tập trung dân cư rồi từ đó hình thành tiếp theo hệ thống giao thông phân tán. Với cách tiếp cận này thì những dự án giao thông đã và sẽ thực hiện ở phía Nam sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho bài toán điều chỉnh quy hoạch, phát triển TP theo hướng tiến ra biển.
Hình thành đô thị cảng
Nếu như trên bộ với định hướng phát triển giao thông nói trên, người dân dễ dàng có thể hình dung các tuyến đường huyết mạch ở khu Nam sẽ tiến ra biển ra sao thì trên đường thủy việc hình dung về giao thông có vẻ khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu dùng ghe, thuyền đi từ cửa biển Cần Giờ vào sông Soài Rạp, Nhà Bè… cũng có thể cảm nhận được sự sôi động về hoạt động đường thủy ở phía Nam TP.HCM, nhất là khu vực cảng Hiệp Phước.
Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP, hướng Nam với hành lang là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ cùng với hệ thống sông rạch phong phú cũng là hướng phát triển chính của TP. Cụ thể, Sở QH-KT cho biết với định hướng phát triển về phía Nam tiến ra biển với cực phát triển là đô thị cảng Hiệp Phước, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thành khu đô thị này cũng như sớm hình thành khu công nghiệp-logistic.
Ngoài xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước, TP cũng đang có chủ trương bổ sung chức năng du lịch sinh thái biển cho vùng Cần Giờ. Theo đó, TP dự kiến sẽ mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thành hơn 2.870 ha (so với 600 ha theo quy hoạch hiện nay)… Đây là sự điều chỉnh quy hoạch được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho huyện Cần Giờ.
Thách thức nước biển dâng Một trong những thách thức trong việc phát triển theo hướng Nam - tiến ra biển của TP, đó là vấn đề biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng. Với mực nước biển dự báo sẽ tăng cao trong tương lại, ngoài những công trình kiểm soát triều ở các cửa sông lớn (Mương Chuối, Phú Xuân) đang xây dựng sắp hoàn thành, TP sẽ thực hiện một nghiên cứu chuyên đề “lồng ghép giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch chung đô thị” để đưa ra các giải pháp thích hợp. Với những bước đi này, TP sẽ phát triển tiến dần ra phía biển. “Quy hoạch riêng” cho sông Sài Gòn Sông Sài Gòn được Sở QH-KT đánh giá là dòng sông có vị trí đặc biệt đối với TP.HCM, do đó cần có định hướng quy hoạch tổng thể từ thượng nguồn xuống hạ lưu để khai thác tối đa tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, du lịch và giao thông. |