Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho TP.HCM xây dựng cầu Cát Lái và Bình Khánh để thay thế hai bến phà đang hoạt động. Bộ GTVT được giao bổ sung hai dự án này vào quy hoạch giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. “Chúng tôi sẽ tập trung xác định quy mô, vị trí dự án và lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2020” - ngày 7-8, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết.
Gỡ kẹt cho cảng, kết nối với Đồng Nai
Hiện nay, ở khu vực cửa ngõ phía đông bắc của TP.HCM tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác. Cạnh đó, TP.HCM đang triển khai các dự án trọng điểm khác như nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, xây nút giao khác mức tại nút giao Cát Lái, khép kín đường vành đai phía đông…
Tuy nhiên, theo UBND TP, việc xây dựng bổ sung cầu Cát Lái để thay thế cho phà là sự cần thiết để tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với Đồng Nai. Cầu này còn giúp giảm ùn tắc ở phà Cát Lái vào mỗi dịp lễ, tết.
Theo tính toán ban đầu, cầu Cát Lái là cầu dây văng dài khoảng 4 km với ít nhất bốn làn xe và có độ tĩnh không thông thuyền là 55 m để không ảnh hưởng đến các tàu hàng ra vào cảng Cát Lái. Cầu sẽ bắt đầu tại nút giao Mỹ Thủy (quận 2, TP.HCM) rồi theo đường Nguyễn Thị Định đến để vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Lý Thái Tổ ở xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Ước tính tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.700 tỉ đồng (chưa tính lãi vay và lợi nhuận đầu tư), trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỉ đồng.
Việc thay thế phà để xây cầu Cát Lái sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với Đồng Nai và giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Kiều Thanh
Phá thế độc đạo của phà về Cần Giờ
Ở một khu vực khác của TP.HCM kết nối về Cần Giờ, trong quy hoạch không có cầu nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè.
Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ đã đề xuất xây thêm cầu nhằm kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP.HCM, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh để phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, tạo sự hoàn chỉnh về hệ thống giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển huyện Cần Giờ.
Công ty này đề nghị được nghiên cứu xây dựng cầu Cần Giờ theo dạng dây văng bắc qua sông Soài Rạp. Tổng chiều dự án 5,8 km, trong đó phần cầu dây văng dài liên tục hơn 2,8 km với tĩnh không thông thuyền là 55 m và cầu có bốn làn xe lưu thông.
Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỉ đồng, chưa bao gồm kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khối lượng giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khoảng 11.580 m2 nhà ở, 31.900 m2 đất thổ cư và gần 90.600 m2 đất nông nghiệp ở hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Công ty này đề nghị sẽ bỏ vốn xây cầu và được hoàn vốn bằng quỹ đất để thực hiện dự án khu lấn biển Cần Giờ và dự án lấn biển Cần Giờ.
5.200 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư của dự án cầu dây văng Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn (nối quận 2 với quận 7) đang được TP.HCM xúc tiến thực hiện. Một liên danh đề nghị thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019. |