TP.HCM trình 'siêu đề án' hơn 510 km metro

(PLO)- Theo siêu đề án, đến năm 2060, toàn TP.HCM sẽ có 510,02km metro.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1 năm phải hoàn thành hơn 14 km metro

Theo Đề án, đến năm 2035, TP xây dựng hoàn thành khoảng 183km ĐSĐT với tuyến metro số 1 (kéo dài thêm so với tuyến hiện hữu) 40,8km/40,8km; metro số 2: 20,22km/62,8km; metro số 3: 29,53km/62,17km; metro số 4: 36,82km/43,4km; metro số 5: 32,5km/53,87km; metro số 6: 22,85km/53,8km.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) của "siêu đề án" giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỉ đồng (tương đương 34,92 tỉ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến metro 1.

Đến năm 2045, sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến metro (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 351,08km.

Cụ thể, 20 năm nữa (đến 2045), TP sẽ làm thêm 42,58km metro số 2; 32,64km metro số 3; 6,58km metro số 4; 21,37km metro số 5; 30,95km metro số 6 và 51,23km/51,23km metro số 7.

Đến năm 2060, kế hoạch được "siêu đề án" đề cập là TP sẽ xây dựng hoàn thành các tuyến ĐSĐT còn lại theo quy hoạch được duyệt, gồm metro số 8: 42,8km/42,8km; metro số 9: 28,3km/28,3km; metro số 10: 87,84km/87,84km.

Đến năm 2060, toàn TP.HCM sẽ có 510,02km metro. Như vậy trong 36 năm nữa, TP phải làm và hoàn thành tương đương hơn 14,16 km metro/năm. Đây là con số rất lớn của '"siêu đề án" này, nhất là khi TP.HCM đã xây dựng tuyến metro số 1 với chiều dài 19,7 km trong gần 20 năm đến nay vẫn chưa xong (dự án được phê duyệt năm 2007).

siêu đề án.jpg
TP.HCM viết tiếp 'giấc mơ metro' với 'siêu đề án' hơn 510 km metro tương lai. Ảnh: ĐT

TP.HCM muốn có nhiều cơ chế đặc thù

“Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới metro nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, cần thiết phải xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá”, tờ trình của UBND TP nêu rõ.

Theo "siêu đề án" của UBND TP, qua trao đổi với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và TP Hà Nội, Tổ Công tác xây dựng đề án đã hoàn thiện các nhóm cơ chế chính sách gồm 6 nhóm với 28 cơ chế. Trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Cụ thể, nhóm thứ nhất là nhóm 5 cơ chế quan trọng về quy hoạch. Ví dụ như cơ chế cho phép TP.HCM thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị… trong phạm vi địa giới hành chính TP.HCM…;

Hay việc cho phép TP.HCM được phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực TOD khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành; cho phép TP.HCM được thực hiện thu hồi đất theo ranh thiết kế sơ bộ được xác định trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nhóm thứ 2 là cơ chế về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cho phép TP.HCM thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; thu thập hồ sơ pháp lý, xác định nguồn gốc đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất thu hồi trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất (không phân biệt quy mô và số trường hợp bị ảnh hưởng).

Nhóm thứ 3 là các cơ chế về huy động vốn với 2 cơ chế. Cho phép TP.HCM được thu và sử dụng 100% nguồn thu đối với các khoản thu phát sinh từ việc khai thác quỹ đất khu vực vùng phụ cận các nhà ga ĐSĐT và các khu vực TOD khác trên địa bàn TP để tái đầu tư xây dựng hệ thống metro. TP.HCM cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và được quyền quyết định chính sách hấp dẫn về lãi suất…

Nhóm thứ 4 là nhóm về cơ chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án. Đây là nhóm cần có nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhất với 14 cơ chế được đề xuất.

Có thể kể đến là việc cần cho phép HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư dự án metro và UBND TP.HCM quyết định đầu tư dự án; quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, cơ quan chức năng TP được trình tự lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án metro tương tự như dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư dự án thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, đây cũng là cơ chế đặc thù mà TP đề xuất giúp giảm các thủ tục kéo dài.

Với nhóm 4 này, TP cũng muốn được triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc như thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ các quy hoạch có liên quan đến dự án metro…

Nhóm thứ 5 là 3 cơ chế về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ. Cụ thể như TP được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị TP.

Nhóm thứ 6 là về quản lý khai thác với 1 cơ chế đặc thù là cho phép TP.HCM thành lập Tổng Công ty Đường sắt đô thị do TP nắm giữ 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng Công ty. Tổng Công ty được sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT đến khi chủ động được nguồn vốn.

Sáng 13-6, phát biểu trong Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh qua 20 năm làm metro 1 nhưng vẫn chưa xong 20 km thì không thể chấp nhận được và ông yêu cầu phải có sự đổi mới từ cách làm đến cơ chế chính sách...

Ông Nguyễn Văn Nên nhắc lại: Thủ tướng cũng đã phê duyệt chủ trương hệ thống ĐSĐT tại TP.HCM (Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày năm 2013 của Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020) gồm tám tuyến với tổng chiều dài 220 km. Qua gần 20 năm, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện nhưng tuyến Metro số 1 đến nay chỉ mới hoàn thành 96% và đang ở giai đoạn cuối cùng để sớm đưa vào vận hành.

“Qua 20 năm mới làm được tuyến Metro số 1. Với 200 km còn lại mà thực hiện kiểu như vậy thì không thể chấp nhận được, cần phải đổi mới từ huy động nguồn lực, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách… để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả tốt hơn. Đây là công trình đầu tay, chúng ta có thể chấp nhận và rút ra bài học từ đây” - ông Nguyễn Văn Nên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm