Để triển khai kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông đường sắt, UBND TP.HCM vừa trình Bộ GTVT đề án phát triển đường sắt đô thị (Metro). Trong đó, TP.HCM đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để sớm hiện thực hoá 500 km metro.
Cần nguồn vốn lớn
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, với dân số đứng đầu cả nước (9,4 triệu người), tỉ lệ đô thị hóa cao nhất, gần 80%. Dân cư đông nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng trên các trục đường huyết mạch và tại các nút giao.
Để giải bài toán giao thông và thúc đẩy TP.HCM trở thành đầu tàu dẫn dắt và cửa ngõ kết nối với khu vực và thế giới việc đầu tư hệ thống metro ở địa phương này là không có gì bàn cãi. Điều quan trọng nhất là cách triển khai và huy động nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Bởi lẽ, TP.HCM đã quy hoạch rất nhiều dự giao thông nhưng do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và những khó khăn về vốn dẫn đến tốc độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông còn chậm, chưa đạt tiến độ... Hiện TP vẫn chưa có một tuyến metro nào đi vào hoạt động, dù công tác này đã được triển khai đầu tư từ rất lâu.
Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2026-2030, TP xác định vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP giai đoạn 2024-2030, khoảng 83.338 tỉ đồng. Nguồn từ ngân sách TP trong giai đoạn từ năm 2024-2030, khoảng 108.750 tỉ đồng. Nguồn từ việc phát triển các khu đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) giai đoạn 2028-2030, khoảng 30.000 tỉ đồng. Nguồn vốn dự kiến phát hành trái phiếu địa phương, khoảng 100.000 tỉ đồng. Nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2026-2030, khoảng 176.665 tỉ đồng.
Phương án huy động nguồn vốn cho giai đoạn 2031-2035, TP dự kiến lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách Trung ương và ngân sách TP giai đoạn 2031-2035, khoảng 86.356 tỉ đồng. Nguồn từ ngân sách TP trong giai đoạn từ năm 2031-2035, khoảng 97.750 tỉ đồng. Nguồn từ TOD giai đoạn 2031-2035, khoảng 90.529 tỉ đồng. Nguồn vốn dự kiến phát hành trái phiếu địa phương, khoảng 55.000 tỉ đồng. Nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2031-2035, khoảng 57.111 tỉ đồng.
Để chuẩn bị cho cuộc “cách mạng” về hệ thống giao thông công cộng mà trọng tâm là dự án metro, chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch và bước đi cụ thể cho việc đầu tư metro, bằng việc lập đề án khá chi tiết và cụ thể để trình lên Trung ương. Trong đó, TP nhấn mạnh đến việc quyết tâm ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến metro tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Trước mắt, từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ triển khai tiếp các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết. Cụ thể ở đây là hoàn thành được khoảng 31 km metro bao gồm tuyến số 1 (đoạn Bến Thành – Suối Tiên), tuyến số 2 (đoạn Bến Thành – Tham Lương).
Sau đó, chính quyền TP mới đầu tư mở rộng các tuyến tiếp theo, với nguyên tắc xây dựng dự án trên các hành lang có nhu cầu hành khách đi lại lớn, phù hợp với loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn trong đô thị; đầu tư tuyến xuyên tâm trước rồi mới đến các tuyến vành đai.
Theo tính toán của TP.HCM, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư xây dựng đến năm 2035 khoảng 823.039 tỉ đồng, không bao gồm chi phí đã đầu tư xây dựng cho tuyến số 1bvà 1 phần chi phí đã giải ngân cho tuyến số 2. Trong đó, nhu cầu vốn cần huy động cho giai đoạn đến 2025 khoảng 6.594 tỉ đồng, giai đoạn 2026 đến 2030 khoảng 474.663 tỉ đồng và giai đoạn 2031 đến 2035 khoảng 341.782 tỉ đồng.
Tạo nguồn vốn bằng việc phát triển TOD
Theo UBND TP.HCM, hiện tỉ lệ % giữa ngân sách Trung ương và TP đang lần lượt là 79% và 21%. Trong đó, phần tăng thu của Trung ương sẽ điều tiết về ngân sách Trung ương và Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách theo quy định Luật Ngân sách nhà nước.
Theo thống kê trong giai đoạn 2021 – 2023, số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP khoảng hơn 26.000 tỉ đồng, bình quân khoảng gần 9.000 tỉ đồng mỗi năm.
Vì vậy, để có tiền làm dự án Metro, TP kiến nghị cho phép được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.
“Việc cho phép địa phương giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP sẽ không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Trung ương so với số dự toán ngân sách Trung ương đã được xây dựng từ đầu năm…”- chính quyền TP.HCM nhận định.
Cùng với cơ chế trên, TP sẽ “tự lực” với việc tạo nguồn bằng phát triển TOD. Cụ thể, TP sẽ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga. Hiện tuyến metro số 1, TP đang quản lý quỹ đất rộng gần 63 ha dọc tuyến, dự kiến năm sau sẽ thực hiện đấu giá khi dự án vào vận hành.
"Dự án metro sẽ đóng góp tăng trưởng GDP của TP.HCM và sau khi khởi công dự án đường sắt đô thị, TP có thể khai thác quỹ đất, mở ra không gian phát triển kinh tế mới nên nguồn thu tăng thêm, góp phần cải thiện toàn bộ các chỉ tiêu về tác động nợ công..."- Bộ GTVT cho hay.
Với cách làm trên, theo tính toán của TP, nguồn thu đấu giá đất để đầu tư metro dự kiến 152.682 tỉ đồng, nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng, TP thực thu 120.529 tỉ đồng.
Ngoài ra, TP sẽ huy động thêm nguồn vốn đầu tư công của TP, vốn trung ương hỗ trợ. Đặc biệt, TP sẽ huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu. “Dự kiến huy động vốn từ trái phiếu địa phương khoảng 10.000 tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng trong 1 năm cho giai đoạn 2027 đến 2034 để dành riêng cho phát triển đường sắt đô thị…”- UBND TP.HCM cho hay.
Bên cạnh các chính sách huy động vốn, TP.HCM cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Chẳng hạn, TP được xem xét quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn của dự án đường sắt đô thị; chủ đầu tư được lựa chọn tư vấn trong nước liên danh với tư vấn quốc tế đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn của dự án đường sắt đô thị…
Đầu tư Metro là cần thiết
Đại diện Bộ GTVT cho biết việc triển khai các dự án metro là cần thiết, bởi sẽ thu hút lượng lớn hành khách hiện đang di chuyển bằng phương tiện cá nhân sang di chuyển bằng metro, từ đó sẽ làm giảm tai nạn giao thông và các hệ lụy liên quan.
Thêm vào đó, metro là phương thức vận tải ít chịu tác động của thời tiết khí hậu, có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt, bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời, đây là phương thức vận tải xanh, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết của Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, dự án metro còn mang lại các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn, nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. “Tương tự mô hình các nước trên thế giới dòng doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ nguồn thu vận tải, khai thác thương mại như quảng cáo, cho thuê văn phòng tại một số nhà ga…”- Bộ GTVT cho hay.