“Việc triển khai hình thức đi chung xe của Công ty TNHH Grabtaxi là chưa phù hợp với quy định hiện hành. Việc này đã được Bộ GTVT khẳng định tại Văn bản số 4752 ngày 4-5 và Văn bản số 6781 ngày 22-6 về không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grabtaxi chưa triển khai hình thức đi chung xe…”.
Ông Trần Quang Lâm cũng cho hay việc không đồng ý cho Grab Share hoạt động trên địa bàn TP.HCM cũng là thực hiện theo khoản 2 Điều 45 Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT.
Cụ thể, Thông tư 63 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách.
Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản bao gồm thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
Đối với hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên đi học hoặc cán bộ, công nhân viên đi làm phải ghi rõ thời gian từng chuyến xe theo ngày, giờ trong tuần.
Trong trường hợp nếu cá nhân, tổ chức sử dụng từ hai hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng (tương tự hình thức đi chung xe) thì sẽ bị phạt tiền theo Điều 28 Nghị định 46/2016 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ,
đường sắt).