Một số loại trái cây do khó bảo quản tươi nhiều ngày nên phải xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ, ngoại tệ mang về không được bao nhiêu.
Chi phí đắt đỏ
Bộ NN&PTNT đã quyết định chọn thanh long, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa… là loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng cũng dồn lực đẩy mạnh đàm phán, quảng bá để đưa vú sữa, vải thiều… Việt ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các công ty trực tiếp xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ nhận định Việt Nam đang lựa chọn sai lầm đối với một số loại trái cây xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế mang lại rất ít.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu T&T Vina, dẫn chứng câu chuyện lựa chọn trái vải thiều Lục Ngạn ở Bắc Giang để xuất khẩu. Trái vải chỉ trồng, thu hoạch được một mùa trong năm chứ không quanh năm nên nguồn cung cấp cho xuất khẩu không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu. Hơn nữa dù chất lượng trái vải ngon nhưng doanh nghiệp Việt chưa có công nghệ, kỹ thuật để bảo quản trái vải tươi lâu. Vì vậy khi sản phẩm này sang tới Mỹ màu sắc vỏ thường không đạt, vỏ nhanh thâm, dễ bị khách hàng chê.
“Đặc biệt do trái vải không bảo quản được lâu nên không thể vận chuyển bằng tàu biển với giá vận chuyển thấp mà buộc phải xuất bằng máy bay, chi phí quá cao. Mỗi ký vải thiều sang đến Mỹ, riêng chi phí vận chuyển bằng máy bay đã mất 3-4 USD, tương đương 90.000-100.000 đồng/kg tiền vận chuyển. Thế nên lợi nhuận từ xuất khẩu trái vải chẳng đáng là bao” - ông Tùng nhấn mạnh.
Chuyên gia của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm tra chôm chôm Việt trước khi đưa vào chiếu xạ. Ảnh: QH
Một công ty xuất khẩu trái cây khác cho biết trước thông tin quả vải xuất sang Mỹ bán với giá rất cao, hơn 200.000 đồng/kg nhiều người nghĩ doanh nghiệp lời đậm. Thực ra do vận chuyển đường xa, chi phí rất cao nên khi sang đến Mỹ tỉ lệ hư hỏng nhiều và bị lỗ.
“Việc xuất quả vải đi Mỹ thực chất chưa mang lại lợi ích kinh tế gì nhiều. Với loại trái cây này, giải quyết đầu ra ngay tại thị trường trong nước mới là điều mà các cơ quan chức năng cần phải làm” - đại diện công ty trên thẳng thắn đề nghị.
Theo một số công ty xuất khẩu trái cây, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới chọn trái vú sữa làm hàng hóa xuất khẩu. Các nước khác như Campuchia, Philippines, Thái Lan… đều có trồng cây vú sữa nhưng họ không chọn làm hàng hóa để xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, cho rằng việc các bộ, ngành dồn sức để trái vú sữa Việt được bán vào Mỹ là sự nỗ lực lớn. Có điều hiệu quả mang lại từ việc xuất khẩu trái vú sữa không cao vì bản thân doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hiểu rất rõ: Bảo quản vú sữa chỉ được 2-3 ngày là da đã nhăn nheo rồi.
Ông Quang nói: “Muốn trái vú sữa sang Mỹ phải bảo quản được dài ngày, 1-2 tháng để có thể vận chuyển bằng đường biển với chi phí thấp. Khi đó giá bán tại nước ngoài mới cạnh tranh, người tiêu dùng mới lựa chọn. Thực tế trái vú sữa lại chưa đáp ứng được các tiêu chí này”.
1 kg vải thiều “đổi” 1 kg táo Mỹ
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng để “xin” được một loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ buộc Việt Nam phải đổi bằng việc cho một loại sản phẩm khác của Mỹ được nhập vào Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam xuất thanh long, chôm chôm hay vải thiều sang Mỹ, đồng nghĩa phải cho nhập táo, thịt bò Mỹ. Nếu Mỹ cho vú sữa Việt Nam xuất sang thì sẽ có một sản phẩm thế mạnh khác của Mỹ xuất ngược lại vào Việt Nam.
“Vì vậy Việt Nam cần tính toán lựa chọn những trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cho chính công ty xuất khẩu, có lợi cho nông dân và mang ngoại tệ về cho đất nước. Nếu lựa chọn sai lầm sẽ gây thiệt hại lớn cho Việt Nam” - ông Tùng khuyến nghị.
Chia sẻ về cách chọn loại trái cây xuất khẩu, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết cách làm xuất khẩu của ta đôi khi còn theo kiểu ăn xổi ở thì, chưa tìm hiểu kỹ và chuẩn bị cả quy trình. Hệ quả là một số loại trái cây trong thời gian đầu được chọn xuất khẩu hiệu quả không cao, hàng bị trả về vì không có kiến thức về kỹ thuật sơ chế, bảo quản…
“Làm gì cũng phải khoa học, bài bản. Như Campuchia, khi xuất khẩu một loại gạo thơm vào châu Âu, họ chuẩn bị tốt vùng trồng, liên kết nông dân, đào tạo nông dân, đào tạo doanh nghiệp về công nghệ chế biến xay xát, bảo quản, đóng gói, mẫu mã, tiếp thị… Sau đó hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng nhà máy, thiết bị để có sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường” - ông Xuân nói.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam nên chọn những loại trái cây không chỉ ngon, chất lượng để xuất khẩu mà phải đặt yếu tố thị trường lên hàng đầu. Trái xoài, bưởi, nhãn… là những loại trái cây vừa tiêu thụ nhiều, doanh nghiệp lại làm tốt công nghệ bảo quản và có thể xuất bằng đường biển để bán với giá cạnh tranh.
Lắng nghe người bán hàng Đại diện một công ty chế biến xuất khẩu trái cây sang Mỹ cho rằng các cơ quan quản lý không nên nghĩ trái cây Việt Nam ngon, các nước không có thì mình xin cấp “quota” rồi xuất đi mà không biết có mang lại hiệu quả kinh tế hay không. Từ đó vị đại diện công ty trên đề nghị nên lấy ý kiến của doanh nghiệp trước khi muốn chọn một mặt hàng nào đó làm sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Bởi doanh nghiệp là người bán, người ra “chợ” quốc tế nên họ biết rõ khách hàng cần gì, bán sản phẩm nào có hiệu quả nhất. Mỹ nghiên cứu rất kỹ Mỹ nghiên cứu rất kỹ những sản phẩm khi chọn lựa xuất sang nước khác. Chẳng hạn với trái táo, khi xuất sang Việt Nam, hầu như sản phẩm của họ đã chiếm lĩnh thị trường, không có loại trái cây nào của ta là đối thủ cạnh tranh và hiện sản phẩm này bán đầy trong các siêu thị. Hay như thịt bò Mỹ nay đã tràn ngập thị trường, gây áp lực cho ngành chăn nuôi trong nước. Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, _______________________________ Một công ty xuất khẩu cho biết trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, chôm chôm… ở Mỹ rất đắt. Hiện nay nếu tính theo tiền đồng Việt Nam, giá thanh long Việt bán tại thị trường Mỹ dao động 130.000-180.000 đồng/kg tùy thời điểm, cách thức vận chuyển; giá nhãn, chôm chôm khoảng 120.000 đồng/kg. |