Trái cây Việt trước cơ hội vào thị trường tỉ dân

(PLO)- Trong 11 loại quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì chỉ bốn loại ký nghị định thư là măng cụt, sầu riêng, chanh dây và chuối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TQ) vừa ký nghị định thư (NĐT) yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang TQ. NĐT được ký kết sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người trồng và xuất khẩu trái cây, đảm bảo việc xuất khẩu chính thức, ổn định bền vững.

Theo các doanh nghiệp, NĐT được ký kết giúp các loại trái cây Việt Nam giảm chi phí, thời gian kiểm tra kiểm dịch, thông quan nhanh chóng.

Lợi ích từ nghị định thư

Được mệnh danh là “vua chuối” xuất khẩu, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết xuất khẩu mặt hàng chuối sang thị trường TQ chiếm 30%-50% lượng chuối xuất đi của công ty.

Công nhân sơ chế chuối tại xưởng để xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

Công nhân sơ chế chuối tại xưởng để xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

Tuy nhiên, xuất khẩu chuối từ trước tới nay sang thị trường này làm theo kiểu từng chuyến, lúc thuận lợi thì thông quan nhanh nhưng có lúc khó khăn vì cơ quan chức năng TQ kiểm tra rất ngặt về chất lượng.

Khi hai nước ký kết NĐT yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi thì việc xuất khẩu trái cây này sẽ thuận lợi hơn nhiều. NĐT về kiểm dịch thực vật có thể hiểu đơn giản là hai bên cùng thống nhất đưa ra quy định, tiêu chuẩn chung về kiểm dịch thực vật đối với loại nông sản đó. Cụ thể như trái chuối, NĐT sẽ đưa ra quy định các vùng trồng chuối, nhà máy sơ chế, đóng gói được cấp mã số mới được phép xuất khẩu. Ngoài ra, quy định chung về danh mục thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc…

“Như vậy, trái chuối Việt Nam có quy chuẩn chung, làm đúng, đạt thì thông quan nhanh chóng. Nếu cơ quan cửa khẩu nước đó làm khó, đưa ra quy định ngoài NĐT đã ký kết thì doanh nghiệp có quyền khiếu nại” - ông Huy lý giải thêm.

Các sản phẩm trái cây Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ quốc tế. Ảnh: Q.HUY

Các sản phẩm trái cây Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ quốc tế. Ảnh: Q.HUY

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đánh giá cao lợi ích cũng như cơ hội mà các NĐT mang lại. Theo ông Nguyên, xuất khẩu chính ngạch được hiểu là một nước cấp phép cho loại nông sản đó từ Việt Nam được xuất sang. Hiện có 11 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang TQ gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây và sầu riêng.

Xuất khẩu chính ngạch thì nông sản phải tuân thủ quy định tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch thực vật của nước bạn. Có lúc họ kiểm nhiều mẫu, đưa thêm nhiều rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, quy cách bao gói… Nếu hai nước có ký kết NĐT thì sẽ có một tiêu chuẩn chung thống nhất và doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần làm theo.

“Bình thường có thể kiểm dịch nhiều mẫu, mất thời gian, tốn kém chi phí. Phía Việt Nam kiểm dịch rồi, hàng tới cửa khẩu TQ kiểm dịch lần nữa. Một khi có NĐT, việc kiểm dịch sẽ theo quy định tại NĐT, giảm được việc lấy mẫu hoặc họ công nhận kết quả kiểm dịch phía Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam luôn” - ông Nguyên nói.

Từ sản xuất đến xuất khẩu đều theo chuẩn

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật nêu rõ: Trước đây khi chưa có NĐT, chuối xuất khẩu sang TQ từ vườn trồng và cơ sở đóng gói đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT). Sản phẩm đảm bảo không nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật của TQ và mỗi lô hàng xuất khẩu được kiểm tra kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

NĐT ký kết có một số điểm mới, đơn cử như tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang TQ phải đăng ký với Bộ NN&PTNT, được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan TQ phê duyệt. Dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang TQ phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Hiện nay, vùng trồng chuối lớn nhất cả nước là Đồng Nai vẫn ở dạng nông dân trồng nhỏ lẻ, hộ gia đình, trồng không theo quy chuẩn nào. Đây là thách thức lớn về đầu ra trong thời gian tới với trái chuối cũng như những mặt hàng trái cây đã có NĐT như sầu riêng, chanh dây.

“Bên cạnh đó, cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả tươi xuất khẩu sang TQ có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số” - đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.

Ngoài ra, lô chuối không nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà TQ quan tâm còn sống, lá hoặc đất. Chuối xuất khẩu phải là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng 10-16 tuần sau khi ra hoa. Ngoài đáp ứng nội dung trong NĐT, chuối xuất khẩu còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu khác như tiêu chuẩn sức khỏe con người, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của TQ.

Có thể thấy để khai thác cơ hội hiệu quả từ việc xuất khẩu thông qua NĐT ký kết thì nông sản của Việt Nam phải làm bài bản, theo chuỗi liên kết, đạt chuẩn mới có thể xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, để đảm bảo xuất khẩu loại trái cây đã có NĐT sang TQ, doanh nghiệp xuất khẩu phải tổ chức sản xuất bài bản, tuân theo quy định kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng có mã số, nhà máy chế biến, đóng gói có mã số. Đối với những doanh nghiệp đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, hay Nhật thì nhanh chóng đáp ứng. Tuy nhiên, với những loại trái cây xưa nay bán theo chuyến, không có tiêu chuẩn, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xuất khẩu thì phải tổ chức lại, tuân thủ nghiêm quy định.

NĐT không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân mà cần sự hướng dẫn hỗ trợ cụ thể của cơ quan quản lý từ bộ, ngành đến địa phương cho đơn vị sản xuất, đóng gói, xuất khẩu. Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải có sự đoàn kết, đồng lòng tuân thủ nghiêm chỉnh quy định NĐT.

“Doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng chuối phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu phải cùng với hợp tác xã, người nông dân thay đổi cách sản xuất an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn GAP” - ông Quan Huy nhận định.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Đầu tư công nghệ bảo quản cho trái cây

Hạn chế lớn nhất của trái cây Việt là công nghệ bảo quản. Thời gian bảo quản ngắn, nếu đi đường hàng không chi phí vận chuyển cao thì giá bán buộc phải cao, mất khả năng cạnh tranh. Còn đi đường biển chi phí thấp hơn, số lượng lớn nhưng mất thời gian hơn, ảnh hưởng chất lượng.

Hiện nay, Mỹ đã cấp phép cho các loại trái cây Việt Nam gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Tất cả loại trái này đều được đánh giá rất ngon và được ưa chuộng nhưng lại nhanh hư. Do đó, các loại quả này gặp nhiều khó khăn ở khâu bảo quản.

NĐT được ký kết sẽ giảm bớt thời gian thông quan, dù xuất khẩu sang TQ gần, thời gian di chuyển ngắn nhưng cũng phải chú ý đến bảo quản để tăng giá trị chất lượng, tính cạnh tranh.

Đối với thị trường xa như Mỹ, những loại trái cây mà Việt Nam đang có công nghệ bảo quản tốt như trái bưởi tới 90 ngày thì việc được cấp phép xuất khẩu sẽ tạo cơ hội rất lớn trong thời gian tới.

Chuối được TQ nhập khẩu nhiều nhất

Theo Bộ NN&PTNT, chuối là loại trái cây TQ nhập khẩu nhiều nhất mỗi năm, chiếm gần 1/3 khối lượng trái cây nhập khẩu. TQ là một trong những thị trường xuất khẩu chuối quan trọng của Việt Nam. Khối lượng xuất khẩu chuối sang TQ thực hiện kiểm dịch thực vật là trên 430.000 tấn (năm 2020), 574.000 tấn (năm 2021) và 591.000 tấn (chín tháng năm 2022). Về diện tích, năm 2019 diện tích trồng chuối cho sản phẩm trong cả nước là hơn 129.500 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm