Chiều 5-7, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Giới thiệu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có nhu cầu lớn với nông sản thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài gồm các sản phẩm từ thịt, đậu nành, rau quả tươi, cà phê…
Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về những mặt hàng trên và có khả năng cung ứng sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, người Việt sinh sống làm việc tại Nhật Bản tăng rất mạnh trong những năm qua với 450.000 người (năm 2021).
Vì vậy, hàng Việt Nam ngày càng biết đến và tiêu thụ tốt như sầu riêng, vải tươi. Nhiều người Việt hy vọng ngày càng có nhiều trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Nhật.
Bà Huệ cũng cho hay là trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng, thời gian vận chuyển lâu khó đảm được độ tươi cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm việc xuất khẩu nông sản trái cây tươi vẫn còn gặp khó khăn.
Do đó, doanh nghiệp (DN) Việt xem xét chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản.
Trái vải tươi được giới thiệu trong Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản năm 2022. ẢNH: Bộ Công Thương |
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon TopValu cho biết, năm 2021 chính sách tập đoàn Aeon có sự thay đổi ở Châu Á và Việt Nam được xem là quốc gia quan trọng nhất trong khu vực Châu Á, không chỉ mở rộng cửa hàng mà mở rộng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2018 tập đoàn kí kết với Bộ Công Thương biên bản ghi nhớ đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang Nhật đạt 500 triệu USD và mục tiêu năm 2025 đạt 1 tỉ USD. Mặt hàng trọng tâm là thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, may mặc, đồ gia dụng…
“Do năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 400.000 USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt giảm nhưng mong qua hội nghị này sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới”-ông Yuichiro Shiotani nói.
Ông Yuichiro Shiotani cho biết thêm, năm 2020 tập đoàn Aeon là DN đầu tiên nhập khẩu trái vải tươi sang Nhật. Năm 2022 Aeon tiếp tục đưa 2,5 tấn vải tươi sang thị trường này.
Năm 2021 quýt Unshu của Nhật Bản giá 269.000 đồng/kg được bán ở siêu thị Aeon tại Việt Nam |
Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây tươi có hai "vấn đề" là giao thương trái cây tươi còn hạn chế. Cụ thể hiện nay Việt Nam xuất khẩu tám loại trái cây gồm dừa, thơm, sầu riêng, chuối, thanh long, xoài, vải sang Nhật Bản trong khi Nhật Bản chỉ bán được ba loại trái cây tại thị trường Việt Nam là táo, lê, cam. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Nhật khó có thể tăng lên được.
Thứ hai trái cây tươi có tính chất “mùa vụ” ngắn như trái vải chỉ thu hoạch một lần trong năm.
Đơn cử như hạt dẻ tươi Trung Quốc một năm chỉ có hai kỳ thu hoạch vào tháng 9, 10 và chỉ có thể xuất khẩu 2 lần/năm, sản lượng xuất khẩu 5 tấn.
Tuy nhiên, hạt dẻ qua sơ chế/ chế biến như có thể xuất khẩu quanh năm, hàng năm tập đoàn Aeon nhập khẩu 900 tấn.
“Việt Nam có trái xoài tươi hàng năm Aeon xuất khẩu 2 tấn nên chúng tôi hướng tới sản phẩm đông lạnh và thông thường xuất khẩu 300 tấn trở lên. Năm nay tập đoàn Aeon dự kiến có thể xuất khẩu 600 tấn xoài đông lạnh. Do đó, cùng với xuất khẩu trái tươi DN có thể chế biến để xuất khẩu được số lượng lớn hơn”- ông Yuichiro Shiotani gợi ý.
RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 với sự tham gia của 15 thành viên, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới, sẽ tạo ra thị trường tương đương 26.200 tỷ USD.
Với các cam kết mở cửa thị trường, RCEP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành xuất khẩu chủ lực Việt Nam.
5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản Việt Nam sang Nhật đạt hơn 230 triệu USD.
Một số mặt hàng trái cây Việt Nam ngày càng phổ biến trên thị trường Nhật Bản như thanh long, xoài, dừa…