Năm 2001, khi phong trào đầu tư resort ở Mũi Né (Phan Thiết) nở rộ thì phần đất gần 10.000 m2 của gia đình ông Trần Khánh Dân đã bị UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi cho hai doanh nghiệp thuê làm khu du lịch.
Lấy đất của dân cho doanh nghiệp
Điều trớ trêu là tên của ông Dân không hề có trong danh sách bị thu hồi đất. Thấy quá vô lý, ông Dân khiếu nại. Bốn năm sau, tháng 4-2005, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lúc đó mới ký quyết định bổ sung tên ông Dân vào danh sách thu hồi đất để “chữa cháy”.
Cuối năm 2005, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ra hai quyết định bồi thường cho gia đình ông Dân vài trăm triệu đồng cho cả gần 10.000 m2 đất lẫn hàng trăm cây ăn trái, cây lấy gỗ, ao cá, giếng nước, nhà cửa… Không đồng tình với giá bồi thường rẻ mạt ấy, ông Dân tiếp tục khiếu nại. Sự việc kéo dài đến một năm sau thì UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cưỡng chế một phần diện tích đất của gia đình ông Dân để giao cho doanh nghiệp làm resort.
Ông Dân ứa nước mắt: “Đoàn cưỡng chế rất hùng hậu với hàng chục cán bộ và bốn xe máy ủi. Khi họ cho bốn xe ủi dàn hàng ngang tiến vào, tôi đã ôm mặt khóc rồi bỏ chạy ra khỏi nhà. Tôi lang thang ngoài đường mấy ngày trời vì không thể chịu nổi cái cảnh phải chứng kiến công sức, thành quả lao động hàng chục năm qua của gia đình mình bị phá nát. Toàn bộ diện tích gần 5.000 m2 đất với hàng trăm cây trái, ao cá, giếng nước, nhà tạm chỉ trong phút chốc bị san thành bình địa”.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật từ sáu năm qua nhưng ông Dân vẫn không được UBND tỉnh Bình Thuận thi hành án. Ảnh: P.NAM
Cuối năm 2006, phần diện tích còn lại của gia đình ông Dân tiếp tục bị cưỡng chế. Khi mới ủi ngã gần 20 cây điều của gia đình ông Dân, đoàn cưỡng chế lại “cưỡng chế nhầm” phần đất hơn 10.000 m2 của hai hộ dân bên cạnh đất ông Dân. Khi bốn phụ nữ chủ đất bị “cưỡng chế nhầm” phản ứng, lập tức trưởng đoàn cưỡng chế yêu cầu bắt giữ đưa về trụ sở Công an phường Mũi Né. Lúc này, khi xem lại các quyết định và vị trí đất, đoàn cưỡng chế mới biết đã bị nhầm liền chạy vội đến trụ sở công an phường lập biên bản đề nghị bốn phụ nữ bị giữ ký tên vào với lý do “đất đang cưỡng chế mà đến… làm ồn”! Tuy nhiên, cả bốn phụ nữ này đều không ký. Đến trưa cùng ngày, thấy chẳng ai đến giải quyết nên họ rủ nhau bỏ về.
Nhờ vụ “cưỡng chế nhầm” hi hữu này mà phần diện tích đất còn lại của ông Dân đã không bị tiếp tục cưỡng chế bởi lực lượng công an rút hết về, không tham gia nữa.
Thắng kiện cũng như không
Uất ức, ông Dân khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra TAND tỉnh này. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh đã hủy một phần trong hai quyết định bồi thường đất của chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau khi ông Dân kháng cáo, tháng 10-2007, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy cả hai quyết định bồi thường.
Theo Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, năm 2005, UBND tỉnh Bình Thuận mới ra quyết định bổ sung tên ông Dân vào danh sách thu hồi đất là lỗi thuộc về cơ quan này. Về mặt pháp lý, cần xác định năm 2005 ông Dân mới bị thu hồi đất chứ không phải năm 2001. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận phải áp dụng việc bồi thường cho ông Dân theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003.
Thua kiện, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị TAND Tối cao xem xét kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, TAND Tối cao đã trả lời rằng bản án phúc thẩm đúng pháp luật, không có cơ sở để kháng nghị.
Thắng kiện nhưng khi ông Dân rào lại mảnh đất của mình thì bất ngờ bị UBND TP Phan Thiết ra quyết định xử phạt hành chính 16 triệu đồng. Thấy quá vô lý, ông Dân khiếu nại quyết liệt thì UBND TP Phan Thiết mới chịu thu hồi quyết định này.
Chưa hết, UBND tỉnh Bình Thuận còn lập ra một tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại hồ sơ thủ tục, xác định tính pháp lý… trong vụ thu hồi đất của ông Dân. Trong khi đó, một phần diện tích đất của ông Dân đã được doanh nghiệp xây resort, một phần diện tích đất còn lại bị san ủi, bỏ hoang hóa nhiều năm qua.
Bản án đã có hiệu lực pháp luật không được thi hành. Đã không được trả lại đất, ông Dân cũng không được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai 2003 như bản án phúc thẩm tuyên. Không còn chịu đựng nổi nữa, năm 2009, ông Dân làm đơn yêu cầu xử lý hình sự chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về hành vi cố tình không chấp hành án. Ông Dân cho biết lá đơn này sau đó đã được VKSND tỉnh chuyển cho cơ quan điều tra rồi “mất hút” luôn.
Đều đặn mỗi tháng một lần ông Dân làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp, yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận thi hành bản án. Nhưng suốt sáu năm qua, cái mà ông nhận được chỉ là những thông báo chuyển đơn.
“Tôi đọc báo thấy nói năm 2012 Thủ tướng Chính phủ từng ra Chỉ thị 17 chỉ đạo UBND cấp tỉnh phải kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Ở trường hợp của tôi, một khi chính UBND tỉnh Bình Thuận không chịu thi hành án thì ai sẽ kiểm tra, đôn đốc họ đây?” - người đàn ông từng là nông dân ấy vò vò mái tóc hoa râm rối bù của mình rồi ngồi lắc đầu cười chua chát.
Nụ cười làm tôi đắng cả lòng!
Cần quy định cụ thể Để công tác thi hành án hành chính đạt hiệu quả, trong một số hội thảo đã có những ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng nếu người phải thi hành án là UBND cấp huyện thì giao thẩm quyền thi hành án cho Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Mặt khác, cần quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người phải thi hành án là UBND cố tình không thi hành chứ không chỉ dừng lại ở mức “đôn đốc”, “nhắc nhở”. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thi hành án hành chính cũng như áp dụng chế tài… Thậm chí có người còn đề nghị xem xét xử lý hình sự hành vi cố tình không chấp hành án hành chính theo Điều 305 BLHS. Mất đất, tôi phải chạy xe ôm Gần như toàn bộ tài sản, đồ đạc có giá trị trong gia đình đều đã bán đổ bán tháo, rồi phải vay mượn nhiều nơi để đeo đuổi khiếu kiện. Không còn đủ đất canh tác, bây giờ tôi phải chạy xe ôm kiếm sống. Ông TRẦN KHÁNH DÂN |
PHƯƠNG NAM