Câu chuyện của anh Trần Minh Tiến, 27 tuổi, ngụ thôn Lâm Tuyền 2, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cầm tấm bằng kỹ sư nông nghiệp về thị trấn cổ D’Ran khởi nghiệp trồng dứa mật đang thu hút nhiều người quan tâm.
Đó là vườn dứa có tên cayen rộng 2ha nằm trên triền một quả đồi thơ mộng, đón mây, gió quanh năm. Với 2 ha đất, chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ trồng 40 ngàn cây, đạt năng suất khoảng 40 tấn/1 năm, cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu.
Với sản phẩm trồng sạch theo chuẩn Organic, dứa mật của Tiến được các siêu thị và shop rau củ quả thu mua. Tiến cho biết dứa mật D’ran thơm ngon nên thường dùng làm nước ép, sản phẩm sấy, mứt sấy dẻo.
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến nói rằng đã về D’Ran được 4 năm. Vì muốn góp những kiến thức mình học được, cũng như thay đổi tư duy nông nghiệp ở quê hương mình nên Tiến chủ động cải tạo đất hằng năm theo hướng hữu cơ, để sản phẩm đạt chuẩn Organic.
"Những loại thuốc hữu cơ thông thường khó trị, mà dùng thuốc hoá học thì không cam lòng. Việc xử lý cỏ cũng dùng cuốc làm cỏ hoặc nhổ tay, tuyệt đối không sử dụng hoá học. Chỉ có thế thì sản phẩm mới an toàn từ đất đến lúc trồng” - Tiến chia sẻ.
Cũng chính vì kiên định với hướng làm nông nghiệp sạch mà vườn dứa hữu cơ Tiến kiên trì theo đuổi gặp nhiều “trắc trở” hơn. Đó là vườn dứa thường bị thối rễ, hư cổ rễ và bị rầy trắng bám thân.
Thị trấn D’Ran hiện có khoảng 100 ha dứa mật. Ngoài một số vườn chuyên canh như của Tiến thì một số hộ dân chọn trồng xen canh với các loại cây khác như hồng, cà phê.
Dứa cayen D’Ran thơm, ngọt, trái lớn vốn nổi tiếng từ lâu. Nhưng trồng dứa hữu cơ để sản phẩm từ thị trấn cổ lưng đèo đến tay người tiêu dùng đã và đang mang theo những nhọc nhằn của những người nông dân tử tế như Tiến.
Mời quý độc giả của PLO về D’Ran những ngày nắng chang để thưởng thức cho được những miếng dứa mật thơm lừng, mọng nước.