Trắng đêm đón người cách ly

“Theo quy định của Bộ Y tế, du khách là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) buộc phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 14 ngày để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 (nCoV).

Tại TP.HCM, du khách từ Trung Quốc vừa tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất sẽ được ngành y tế giám sát. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sẽ báo cho y tế quận, huyện địa chỉ du khách cư ngụ hoặc lưu trú để y tế quận, huyện ra sân bay tiếp nhận và đưa du khách về đúng địa chỉ mà họ khai báo” - bác sĩ (BS) Vương Anh Tài, Trưởng phòng Y tế quận 11, TP.HCM, cho hay.

Nghe gọi là bật dậy đón người cách ly

Cách đây vài ngày, khi đó tầm 23 giờ, y tế quận 11 nhận được điện thoại từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM báo có một ông nước ngoài đi du lịch Trung Quốc vừa đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và sẽ lưu trú ở một khách sạn trên địa bàn quận 11.

“Y tế quận 11 điều ngay đội cơ động phản ứng nhanh cùng xe chuyên dụng đến sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện nhiệm vụ. Sau khi tiếp nhận và ký biên bản bàn giao, y tế quận này chở ông khách tới ngay khách sạn. Tiếp theo, y tế quận 11 hướng dẫn ông khách và quản lý khách sạn thực hiện những biện pháp cách ly để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Mọi việc xong xuôi thì đã bước qua ngày mới” - BS Tài nói.

Tương tự, tối 7-2, y tế quận Gò Vấp, TP.HCM nhận điện thoại từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM báo một phụ nữ người Việt, 57 tuổi từ Trung Quốc vừa tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất và điểm đến là một nhà trọ trên địa bàn quận Gò Vấp.

“Gác mọi chuyện riêng, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cùng đội cơ động phản ứng nhanh và xe chuyên dụng lập tức tới sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi làm những thủ tục cần thiết, y tế quận Gò Vấp đưa bà này tới địa chỉ nhà trọ nhưng nơi đây đã đóng cửa do quá khuya. Trước tình huống này, y tế quận Gò Vấp buộc phải đưa bà này tới điểm cách ly tập trung của quận. Mọi việc xong xuôi cũng là lúc gà gáy canh bốn. Công việc của nhân viên y tế cùng đội cơ động phản ứng nhanh vất vả là thế nhưng đâu phải ai cũng biết” - BS Phạm Đình Thảo, Trưởng phòng Y tế quận Gò Vấp, chia sẻ.

Cơ quan chức năng quận 11, TP.HCM làm việc và thực hiện cách ly tại nhà đối với một người đàn ông đến từ Trung Quốc (bìa trái). Ảnh: TRẦN NGỌC

Tận tâm, khéo léo giữ chân người cách ly

Theo BS Thảo, người cách ly sau khi đến đúng địa chỉ còn phải được giải thích để họ không cảm thấy như bị giam lỏng, không rời khỏi nơi cách ly và thực hiện đúng những biện pháp ngăn ngừa COVID-19. Trách nhiệm này thuộc UBND, đoàn thể, cơ quan công an và trạm y tế phường.

“Người cách ly được hướng dẫn mỗi ngày tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất hai lần vào sáng và chiều, đồng thời ghi chép kết quả, kể cả tình trạng sức khỏe hằng ngày vào phiếu theo dõi.

Tuy nhiên, đề phòng người cách ly không đo thân nhiệt và ghi thông tin thiếu chính xác vào phiếu theo dõi nên nhân viên trạm y tế mỗi ngày hai lần đến đo trực tiếp.

Nhân viên y tế còn đo huyết áp, quan sát thể trạng để đánh giá đúng diễn tiến sức khỏe của người cách ly. Điều này rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện người cách ly có nguy cơ nhiễm COVID-19 để nhanh chóng đưa tới bệnh viện điều trị” - BS Thảo nói.

Điều mà mọi người lo ngại chính là người cách ly tự ý di chuyển nơi khác và trách nhiệm này đặt lên vai công an khu vực cùng tổ dân phố, ban khu phố. Hằng ngày, nhóm người nói trên đến nơi người cách ly lưu trú để xem họ còn ở đó không, đồng thời động viên và hỏi thăm sức khỏe.

“Có một điều cần nói là người cách ly một khi cố tình đi khỏi nơi lưu trú thì khó mà giám sát. Tuy nhiên, công an khu vực, tổ dân phố và ban khu phố vẫn có cách làm khéo léo và thuyết phục để giữ chân người cách ly. Do vậy, tình trạng người cách ly tại nhà và nơi lưu trú trong khu vực quận Gò Vấp đi khỏi địa phương chưa xảy ra” - BS Thảo cho biết.

Đồng quan điểm trên, BS Hà Ngọc Linh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế quận 12, TP.HCM, cho rằng việc tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng của người được cách ly với chính quyền địa phương, nhân viên y tế, ban, ngành, đoàn thể là điều hết sức cần thiết.

“Do vậy, những người tiếp xúc với người cách ly phải ứng xử tận tình, chia sẻ và động viên. Một kinh nghiệm rất hay đã nảy sinh trong thời gian giám sát những người cách ly: Nếu người cách ly là nữ thì hội phụ nữ gần gũi chuyện trò; người cách ly trong độ tuổi thanh niên thì đoàn thanh niên tiếp cận động viên; đối với người cách ly lớn tuổi thì hội người cao tuổi gặp gỡ và sẻ chia…” - BS Linh nói.

Tự hào về hệ thống ngành y trong ngăn chặn dịch bệnh

Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của tất cả hệ thống y tế từ trung ương tới địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế tự hào nói rằng những người công tác trong ngành y luôn vượt qua khó khăn để tham gia ngăn chặn dịch bệnh.

GS-TS NGUYỄN THANH LONG, Thứ trưởng Bộ Y tế

Đóng góp âm thầm của nhân viên y tế phường

Gần gũi, chân tình… là những yếu tố quan trọng giúp người cách ly không tự ti và hợp tác hết mình với chính quyền, y tế địa phương, công an khu vực… trong cuộc chiến phòng ngừa COVID-19. Dịch bệnh một khi được ngăn chặn có sự đóng góp âm thầm không nhỏ của nhiều người mà đặc biệt là nhân viên y tế các phường.

BS HÀ NGỌC LINH, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ 
Trung tâm Y tế quận 12, TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm