Mới đây, một bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện bức xúc của mình với báo Pháp Luật TP.HCM về việc thay đổi giá chăm sóc cây mai tại vườn mai PH (tên đã được viết tắt), TP Thủ Đức, TP.HCM khi bên chăm sóc cây mai đột ngột lấy mức giá chăm sóc cây mai cao hơn so với thỏa thuận ban đầu mà không thông báo trước.
Báo giá một đường lấy giá một nẻo
Bạn đọc PD, ngụ TP Thủ Đức chia sẻ: Sau Tết 2023, tôi có gửi 1 cây mai ở vườn mai PH, TP Thủ Đức. Vườn nhận chăm sóc cây mai báo giá 1.000.000 đồng/năm kèm công chở đi chở về mỗi chiều 200.000 đồng, tôi đồng ý với thỏa thuận trên.
Tới ngày 5-2-2024 (26 Tết âm lịch) đến hẹn nhận mai, bên chăm mai bảo “cây chị năm nay đẹp lắm, em chăm rất cực nên em lấy 1.700.000 đồng”. Tôi không chịu thì họ dọa không cho lấy, họ bỏ cây xuống khỏi giao, tước hết nụ. Sau khi thương lượng 1 lúc họ bảo lấy giá 1.300.000 đồng.
"Nếu muốn thay đổi giá chăm sóc cây mai thì cả năm qua bao nhiêu cơ hội để báo cho khách. Vậy mà họ im ru rồi đến ngày cuối năm thay đổi. Tôi để cây ở vườn hơn 1 năm rồi, họ không hề báo là thay đổi giá chăm cây. Giao cây cho tôi xong giờ họ nói năm nay gửi nữa thì phải đúng 1.700.000 đồng họ mới cho nhận. Thật không thể chấp nhận việc làm ăn cơ hội như vậy!.
Sau khi nhận phản ánh của người dân, PV đã liên hệ vườn mai để hỏi thêm thông tin vụ việc trên. Nhưng chủ vườn mai từ chối trả lời.
Trong khi đó, trao đổi kinh nghiệm về việc thuê gửi mai, chủ một vườn mai tại quận 12 chia sẻ: "Ngay từ ngày nhận cây mai để chăm sóc, giá cả sẽ được thỏa thuận trực tiếp giữa khách hàng và chủ vườn. Nếu hai bên đồng ý với mức giá đó, cây sẽ được gửi cho bên nhà vườn chăm sóc. Không có chuyện báo giá khác vào ngày giao cây mai, hoặc nếu trong năm có phát sinh như thế nào thì gọi liền cho khách để thương lượng chứ không để đến ngày giao cây mai mà báo khách. Nếu cây mai được chăm sóc đẹp mắt, khách hàng ưng ý họ có thể tự nguyện cho thêm tiền để bồi dưỡng người chăm sóc mai".
Tương tự, một chủ vườn tại TP Thủ Đức cho biết: "Bên chúng tôi trước khi nhận cây mai chăm sóc sẽ trình bày cụ thể chăm sóc mai như thế nào trong một năm, giá chăm sóc cây mai sẽ được thông báo luôn. Nếu trong năm đó phát sinh như phân bón lên giá, cây mai năm nay có thể nở đẹp cần tốn nhiều nước, nhiều phân bón thì bên nhà vườn sẽ chủ động liên hệ cho khách để thương lượng. Bên vườn tôi đều có hóa đơn, cam kết đầy đủ cho khách, cứ dựa vào hóa đơn đó mà lấy tiền".
Cần đặt uy tín lên hàng đầu
Trao đổi với PV, luật sư Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết đây là kiểu làm ăn kiểu cơ hội. Tức dù đã có thoả thuận trước đó về giá cả, nhưng người nhận chăm sóc cây mai nhân cơ hội hoa năm nay ra đẹp, đúng dịp tết thì muốn kiếm thêm tiền. Cách này các nhà vườn làm ăn lâu năm có uy tín họ không bao giờ làm vậy.
Có thể người gửi cây mai, trước đó mua ở nhà vườn này, sau khi chơi xong thì gửi chăm sóc hoặc có thể mua ở nơi khác và sau khi chơi xong là gửi chăm sóc. Nếu là mua trước đó, tức đã là khách hàng của họ.
Dù là ở tình huống nào, thì người chăm sóc mai cần hiểu rằng khi nhận chăm sóc, hai bên đã thoả thuận với nhau rất rõ và thỏa thuận này được xác lập theo quy định của Điều 513 BLDS năm 2015 về loại hợp đồng dịch vụ. Theo đó bên nhận chăm sóc mai có trách nhiệm chăm mai, bên thuê có nghĩa vụ trả tiền.
"Tiền dịch vụ đã ấn định là 1.000.000 đồng/năm, thời hạn giao mai là trước dịp tết năm tiếp theo. Như vậy, về mặt giá dịch vụ, nếu muốn thay đổi, cần được sự đồng ý của hai bên. Nếu không được sự đồng ý, bên chăm sóc mai không tự ý tăng giá. Vì vậy, trong trường hợp này nếu người thuê chăm sóc không đồng ý trả thêm tiền, thì bên chăm sóc mai vẫn có trách nhiệm giao cây mai cho chủ của nó như thỏa thuận trước đó. Nếu bên chăm sóc mai không giao cây mai, tức họ đã vi phạm thỏa thuận" - luật sư Phát cho hay.
Chủ cây mai có thể khởi kiện ra cơ quan toà án để được giải quyết khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm
Một khi, một bên trong hợp đồng vi phạm hợp đồng, họ phải chịu các chế tài của hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật như: phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại thực tế. Có thể các bên trong trường hợp này không có thoả thuận phạt hợp đồng, nên việc phạt hợp đồng sẽ không được áp dụng.
Nhưng nếu gây thiệt hại, thì cho dù không có thỏa thuận, bên gửi cây mai vẫn được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế theo quy định của BLDS năm 2015.
Lúc này chủ cây mai có thể yêu cầu chủ vườn chăm mai bồi thường hoặc nếu không thỏa thuận được, chủ cây mai có thể khởi kiện ra cơ quan tòa án để được giải quyết khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Luật sư Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM