Tranh cãi về tăng lương tối thiểu vùng

(PLO)-  Hai năm đại dịch khiến người lao động không có tích lũy, nếu tiếp tục lùi thời gian tăng lương tối thiểu thì cuộc sống của họ sẽ thêm vất vả.

Người lao động (NLĐ) cho rằng tăng lương tối thiểu vùng là hợp lý vì lương thấp sẽ gây khó khăn cho công nhân, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang. Ngược lại, phía người sử dụng lao động lại cho rằng chưa nên tăng lương ở thời điểm hiện nay.

Đề nghị dời thời điểm tăng lương

Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022, tức tăng thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ lên mức 4,68 triệu đồng, vùng 2 lên 4,16 triệu đồng, vùng 3 lên 3,64 triệu đồng và vùng 4 sẽ là 3,25 triệu đồng.

Ngay sau đề xuất tăng lương của Hội đồng tiền lương quốc gia, tám hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ lùi thời gian tăng lương tối thiểu đến ngày 1-1-2023, thay vì ngày 1-7 năm nay.

Nhiều công nhân cho rằng hai năm do ảnh hưởng của đại dịch nên không được tăng lương, nếu nay tiếp tục lùi đến năm sau thì họ sẽ chịu thiệt thòi. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp mới phục hồi sau dịch nên còn khó khăn, vì vậy tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của họ. Đối với các đơn vị quy mô vài ngàn công nhân sẽ tốn thêm vài tỉ đồng cho các khoản phí, bảo hiểm. Đối với các công ty có vài chục ngàn lao động thì tốn thêm vài chục tỉ đồng mỗi năm.

“Đồng tình mức lương tối thiểu vùng cần phải tăng để đảm bảo thu nhập của NLĐ nhưng cần phải có thông báo từ sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị. Chứ họ đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, các hợp đồng đã ký, thậm chí hết năm mà áp dụng cận quá thì chưa hợp lý. Mức lương tối thiểu vùng tăng 6% có thể áp dụng từ đầu năm 2023 thì phù hợp hơn” - ông Hưng nêu quan điểm.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình việc điều chỉnh lương nhưng muốn lùi thời điểm thực hiện. Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho hay kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là mức điều chỉnh tiền lương nên thực hiện từ ngày 1-1-2023, còn điều chỉnh ngay từ ngày 1-7-2022 thì khó khăn cho họ. Bởi doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng…

Trả lương thấp sẽ không có người làm

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, phân tích: Hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh, công nhân vẫn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Không chỉ vậy, giai đoạn hậu COVID-19, NLĐ tăng ca thường xuyên để doanh nghiệp kịp giao những đơn hàng còn tồn đọng giai đoạn dịch. Vì vậy, nếu lấy lý do khó khăn để lùi thời gian tăng lương tối thiểu thì chẳng khác nào đẩy khó về phía công nhân.

“Hai năm đại dịch NLĐ không có thu nhập và tích lũy, nếu tiếp tục kéo dài thì đời sống của gia đình, con em công nhân thêm chật vật. Dù chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp nhưng phải coi lao động là vốn quý để cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển” - ông Hiền nêu ý kiến.

Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi trao đổi với báo chí cũng nhận định đời sống của NLĐ sau đại dịch tiếp tục khó khăn. Thậm chí một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận BHXH một lần. Trong bối cảnh đó, cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp rất cần bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho NLĐ.

“Thực tế việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và là tiền đề gắn bó giữa NLĐ với doanh nghiệp” - vị đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

TS Loan Lê, chuyên gia kiểm toán và tài chính, phân tích: Tăng lương tối thiểu là vấn đề dung hòa lợi ích của các bên, trong đó có tính đến tác động dây chuyền vĩ mô. “Trong tình hình môi trường vĩ mô biến động phức tạp, mức tăng 6% từ ngày 1-7-2022 là mức dung hòa tối thiểu có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến giá cả, lạm phát, chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục triển khai kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch” - TS Loan Lê nói.

Hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon (TP.HCM), cho biết từ tháng 10-2021, khi bắt đầu mở cửa trở lại, công ty đã tăng lương cho NLĐ để đảm bảo đủ nhân công, đồng thời thu hút thêm lao động mới. Theo đó, mức lương trung bình của NLĐ tại công ty đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng, cao gấp đôi mức lương tối thiểu vùng.

Vì vậy, ông Long đồng tình với việc tăng mức lương tối thiểu vùng, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh khiến đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Mức lương tối thiểu chỉ tăng 6% nhưng đối với NLĐ thu nhập thấp thì đó cũng là khoản tiền đáng kể để họ chi trả sinh hoạt hằng ngày. Doanh nghiệp đúng là đang gặp không ít khó khăn do chi phí đầu vào tăng nhưng NLĐ cũng cần được hỗ trợ, chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Agrex Saigon kiến nghị với những công ty đang gặp khó khăn thua lỗ vì dịch bệnh hoặc đang trong quá trình phục hồi thì có thể xem xét lùi thời gian áp dụng tăng mức lương tối thiểu vùng đến hết năm nay. Song song đó, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ các công ty này như gia hạn, hoãn nộp phí công đoàn, các khoản BHXH, giảm lãi suất cho vay… để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới