Tranh luận về giá sách giáo khoa, Quỹ bình ổn giá xăng dầu

(PLO)- Các đại biểu cho rằng cần quy định giá tối đa và tối thiểu với sách giáo khoa để tránh việc thâu tóm, bán phá giá.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Sách giáo khoa: Cần có giá bán tối đa và tối thiểu

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa (SGK) lần đầu được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Cụ thể, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán nhằm tạo tính cạnh tranh nhưng cũng góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích cho người dân.

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng SGK là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến mọi người dân nên Nhà nước cần điều tiết giá hợp lý. Theo ông, Nhà nước quy định khung giá tối đa, để các đơn vị phát hành sách tự định giá là “hợp lý nhất”.

Tuy nhiên, ĐB Đồng Tháp đề nghị “cần tính đến yếu tố thị trường”. “Chúng ta không thể chấp nhận năm nào cũng có phản ánh về giá, thiếu SGK. Người có tiền cũng chưa chắc đã mua được sách, người có thu nhập thấp dĩ nhiên là không mua được” - ông Hòa nói.

Trong khi đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay là các bộ, ngành đề nghị nên giữ. Ảnh: P.THẮNG
Trong khi đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay là các bộ, ngành đề nghị nên giữ. Ảnh: P.THẮNG

Ông cũng kiến nghị cần có quy định để SGK sử dụng trong nhiều năm, để không lãng phí nguồn lực xã hội.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo ngại việc dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu sẽ dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Bà đề nghị quy định khung giá, gồm giá tối đa và tối thiểu để không ảnh hưởng nhiều đến thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá ý kiến của ĐB Thúy “rất hay”. “Trong tư duy chúng ta luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp... Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Có “khoảng trống pháp luật” về việc xác định giá

Còn ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm đến việc xác định giá.

Theo ông, thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.

“Hiện các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công. Người ta e ngại vì có thể định giá rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát, giá thị trường thay đổi thì họ lại mắc vào vòng lao lý” - ông Cường nói.

Ông chỉ rõ các bệnh viện hiện không mua được vật tư, thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh. Nhiều tài sản công của Nhà nước không thể chuyển giao cho khu vực tư được, điển hình là các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để các nhà đầu tư có đất đầu tư phát triển các dự án bất động sản...

Do vậy, ĐB Hà Nội nêu yêu cầu đầu tiên khi hoàn thiện dự luật này là phải “làm kín khoảng trống pháp luật” nói trên.

“Dự thảo luật lần này phải đưa thành một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá... để có cơ sở bảo vệ hoạt động đúng đắn của tổ chức tư vấn định giá” - ông Cường nói.

Ông cho rằng đây là nội dung rất quan trọng nhưng dự thảo lại quy định giao cho Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn là chưa đủ...

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Khi thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ĐB đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phản ánh việc từ đầu tháng 10 vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu diễn ra trên diện rộng. “Không hiếm các hình ảnh cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua, không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu, có nên duy trì quỹ này nữa hay không?” - ông Thịnh nêu vấn đề.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trực tiếp đề nghị không tiếp tục duy trì quỹ như hiện nay. “Quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành từ giá mua do người tiêu dùng chi trả, hiện tại là 300 đồng/lít nhưng lại do doanh nghiệp quản lý, quyết định” - ông Hòa cho rằng việc người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ là điều rất bất cập, dẫn đến nghi vấn có thể gian dối.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) sau khi đưa ra nhiều lập luận cùng thực tế doanh nghiệp nói là càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ để đề nghị không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Nêu ý kiến giải trình về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay vấn đề này đã được lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành. Quan điểm chung là giữ quỹ này vì giá xăng dầu tăng thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô.

“Giữ quỹ này giúp giảm sốc từ từ” - ông Phớc khẳng định. Sau khi nêu năm công cụ để Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu, ông Hồ Đức Phớc nói: “Người ta nói nếu kinh tế thị trường không có “bàn tay” của Nhà nước thì giống như “vỗ tay bằng một bàn tay””.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm