Ngày 21-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, vấn đề đưa hộ kinh doanh vào trong Luật DN thu hút được nhiều ý kiến khác nhau.
Cần có luật riêng hoặc chương riêng
Trong số 20 ý kiến phát biểu, đa số cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi) lần này hoặc phải có một chương riêng, thậm chí phải có luật riêng.
Đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng đưa hộ kinh doanh vào dự luật là vấn đề lớn, bởi số hộ kinh doanh hiện nhiều gấp 5-6 lần số DN. Bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với DN.
“Tôi cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN” - ông Tiến nói. Ông cho rằng đưa hộ kinh doanh vào Luật DN có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Tương tự, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) thì đề xuất: “Đối tượng của Luật DN là tổ chức. Cạnh đó, các cơ chế, chính sách chung hiện điều chỉnh DN, không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo luật về hộ kinh doanh, khi đủ điều kiện thành lập DN thì thực hiện theo Luật DN, như vậy sẽ đơn giản hơn”. Cũng theo ĐB Thu Trang, nếu để chung DN và hộ kinh doanh trong Luật DN thì khi có thay đổi các quy định đối với DN nhưng không có tác động đối với hộ kinh doanh hoặc ngược lại thì cũng phải sửa đổi luật làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phát biểu.
“Lúc này không đưa vào thì lúc nào?”
Trong khi đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đồng tình việc bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN (sửa đổi) lần này. Ông giải thích: “Qua nhiều lần sửa đổi Luật DN, chúng ta đều có những quy định về hộ kinh doanh và dự luật lần này luật hóa nhiều nội dung hơn, thành lập một chương riêng cho hộ kinh doanh. Như vậy, về bản chất hộ kinh doanh lâu nay đã được quy định ở đâu đó trong Luật DN”.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói đưa hộ kinh doanh vào trong dự luật lần này là “điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh hiện có ở ta”. ĐB Trần Văn Lâm cũng đề nghị dự luật phải hoàn thiện các quy định, chính sách về thuế, kế toán, đất đai, lao động… cho hộ kinh doanh. Theo ông, việc sửa đổi lần này chỉ là tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện các quy định cần thiết để hộ kinh doanh phát huy tốt hơn tiềm năng và đóng góp tích cực hơn nữa vào nền kinh tế”.
5 triệu hộ kinh doanh hiện đang hoạt động. Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), như vậy là gấp khoảng bảy lần số lượng DN. Thực tế con số này còn nhiều hơn vì chúng ta chưa tổng kết được và hiện nhiều hộ có kinh doanh nhưng không đăng ký. |
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) tán thành với phương án của Chính phủ đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự luật. Ông Lộc cho rằng các lý do mà Chính phủ đưa ra là “rất thuyết phục”. Cụ thể, theo ĐB Lộc, hộ kinh doanh là một sản phẩm của lịch sử, đã từng là “cứu tinh” của những người kinh doanh nhỏ và đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh. Từ năm 1986, 1990, khi có Luật DN thì hộ kinh doanh có điều kiện trở lại đúng với bản chất kinh tế và pháp lý là “các DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế”.
Hiện nay, BLDS 2015 đã bãi bỏ tư cách pháp lý của hộ kinh doanh do xác định chỉ có hai chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự, kinh tế là pháp nhân và cá nhân. “Nếu vẫn tiếp tục duy trì hộ kinh doanh thì không hợp lý” - ông Lộc nói. Ông cũng khẳng định thế giới không có hộ kinh doanh mà chỉ có pháp nhân là công ty và cá nhân là công ty một chủ.
Theo ông Lộc, ở Việt Nam DN một chủ, tức là DN tư nhân hiện nay chỉ chiếm 7%-8%. “Đây là một nghịch lý, mà nghịch lý này chỉ có thể được giải thích rằng chúng ta đã không coi hộ kinh doanh là DN” - ông Lộc nói.
“Bản chất pháp lý của hộ kinh doanh là DN, cho nên tôi đề nghị phương án đột phá là Luật DN lần này quy định luôn hộ kinh doanh là một loại hình DN một chủ trong nền kinh tế Việt Nam” - ông Lộc nói.
Tiếp tục bãi bỏ rào cản với hộ kinh doanh Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tổng hợp: Điểm chung của các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết là phải luật hóa về hộ kinh doanh. Vấn đề là có nên đưa vào Luật DN (sửa đổi) lần này hay cần một luật riêng. Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ trình với Quốc hội xin đưa ngay hộ kinh doanh vào lần sửa Luật DN lần này là để định danh, bảo vệ quyền lợi và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh. Ngoài việc bãi bỏ được một số rào cản đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh, Bộ trưởng Dũng nói dự luật không làm phát sinh thủ tục hành chính, không tác động tiêu cực mà ngược lại, còn tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh khi có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo loại hình DN. “Nếu xây dựng một luật hộ kinh doanh riêng/mới, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất là phải ba năm nữa mới xong. Chúng tôi cho rằng những gì mà có lợi thì chúng ta có thể làm ngay và việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN lần này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả” - Bộ trưởng Dũng khẳng định. |