Tránh việc tăng lương không theo kịp tăng giá

(PLO)- Trung ương đang tìm giải pháp để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, tránh tình trạng tăng lương không theo kịp tăng giá.

Chiều 19-3, tiếp tục phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của QH trong tháng 2. Nhiều vấn đề nổi cộm của tình hình kinh tế - xã hội cả nước đã được nêu ra cùng với các đề xuất hướng giải quyết.

Lo khan hiếm nguồn cát, giá mặt hàng tiêu dùng tăng

Báo cáo Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, cử tri tiếp tục bày tỏ sự lo lắng khi thời gian gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người. Cùng đó là tình trạng ô nhiễm không khí tại các TP lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là tại Hà Nội. Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng…

Cử tri cũng lo lắng về tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, không đủ nguồn cung cho các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu xây dựng khác làm chi phí đầu tư tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương còn diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, cử tri phản ánh việc chi chế độ cho người có công với cách mạng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đang gây khó khăn cho người cao tuổi trong việc đi lại rút tiền. Nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thẻ BHYT theo mẫu mới không ghi thời hạn hết hiệu lực trên thẻ.

Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... “Tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường” - ông Bình nói.

Theo Ban Dân nguyện, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành có liên quan có giải pháp cho khai thác mỏ tạo nguồn cung, hạ giá thành để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình xây dựng khác…

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ban Dân nguyện cũng đề nghị xem xét, tiếp tục thực hiện chi tiền mặt cho đối tượng là người có công với cách mạng. Nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

BHXH Việt Nam xem xét thiết kế lại mẫu thẻ BHYT để người tham gia bảo hiểm có thể theo dõi hạn sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương lưu ý các kiến nghị về tăng lương không theo kịp tăng giá; hạn hán, thiếu nước. Cùng với đó là các giải pháp khai thác mỏ, tạo nguồn cung, hạ giá thành vật liệu xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; giải quyết tình trạng “cát tặc” ở Hà Nội và một số địa phương.

“Hôm nay, thấy có thông tin Bộ GTVT đề nghị việc sử dụng cát biển cho xây dựng sau khi thí điểm ở ĐBSCL có hiệu quả thì khẩn trương mở rộng để giải quyết vấn đề cát cho các công trình trọng điểm quốc gia” - Phó Chủ tịch QH nói.

Nhiều vụ khiếu kiện phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm

Liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cho thấy trong tháng 2, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng trước.

Tuy nhiên, ông Dương Thanh Bình cho rằng nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo ông, việc này dẫn đến tình trạng công dân thường xuyên tập trung đông người ở Hà Nội và TP.HCM, gây phức tạp về an ninh trật tự. Vì vậy, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp.

Đáng chú ý, trưởng Ban Dân nguyện lưu ý các vụ việc khiếu kiện của các khách hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp, khách hàng mua căn hộ condotel; khiếu kiện liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh; khiếu kiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại một số địa phương...

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, trong tháng 2, có sáu vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người ở các địa phương (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Dương và Ninh Bình) thường xuyên đến trụ sở tiếp công dân của Trung ương tại Hà Nội và TP.HCM.

Ngoài ra, ba địa phương là Hà Nội và các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương nổi lên bốn vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Ban Dân nguyện đề nghị chỉ đạo UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.

“Thông tin, kết quả giải quyết đề nghị khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ QH” - ông Bình đề nghị.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương giải quyết dứt điểm hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Bốn năm, khởi tố hơn 400 bị can khai thác cát trái phép

Liên quan đến tình hình vi phạm, tội phạm vi phạm pháp luật liên quan khai thác cát, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết theo số liệu thống kê trong bốn năm (2020-2023), lực lượng công an đã phát hiện gần 21.400 vụ, khởi tố 299 vụ với 434 bị can.

Bộ Công an đang tập trung rất quyết liệt khảo sát, đánh giá, tăng cường chỉ đạo công an các địa phương về nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới