TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh phát triển hiện nay, cần có một cách tiếp cận mới về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhằm tăng sự chủ động trong quản lý, tổ chức phát triển của chính quyền TP.HCM. Đồng thời khắc phục triệt để các vấn đề còn hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54.
Cần cho TP.HCM nhiều thẩm quyền
Theo TS Bùi Ngọc Hiền, những vấn đề bất cập trong thực hiện Nghị quyết 54, mô hình chính quyền đô thị và trong quản lý, điều hành của chính quyền TP thời gian diễn ra dịch COVID-19 đã cung cấp các luận cứ thực tiễn để xây dựng nghị quyết mới.
TS Bùi Ngọc Hiền. |
Trong dự thảo nghị quyết mới đã đề cập về vấn đề nhân sự, theo hướng tăng nhiều thẩm quyền hơn nhưng cần trao thêm quyền chủ động tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Thẩm quyền này bao gồm cả việc chi trả thu nhập của cán bộ theo khối lượng, hiệu quả công việc và cơ chế thị trường” - TS Hiền nói và nhìn nhận việc chi trả thu nhập cần phù hợp với mức sống của cán bộ ở từng khu vực.
Cũng liên quan đến vấn đề con người, TP.HCM phải được chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài, nhân sự có năng lực, chuyên môn phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng vị trí.
TP.HCM phải được chủ động xây dựng các cơ chế để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân sự có năng lực, chuyên môn phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng vị trí. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Nghị quyết mới cần trao cho chính quyền TP được quyền thí điểm các giải pháp, hoạt động đổi mới trong quản lý nhà nước. Được quyền bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong quản lý, điều hành và trong hoạt động tác nghiệp của cán bộ. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền TP, làm cơ sở cải cách hành chính mạnh mẽ nền công vụ cả nước.
Phù hợp với vai trò của TP.HCM
TP.HCM xin cơ chế thí điểm là phù hợp với thời đại và phù hợp với vai trò của TP. Dựa trên những thí điểm mà TP.HCM đã thực hiện để rút bài học kinh nghiệm, là nền tảng để sau này các tỉnh, TP khác thực hiện. Những đóng góp của TP.HCM cho việc thí điểm những cơ chế, chính sách mới là rất đáng giá.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Cụ thể hóa tinh thần cả nước vì TP.HCM
Thiết nghĩ, cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, địa phương cả nước đối với sự phát triển của TP.HCM theo phương châm “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.
Phương châm này cần được cụ thể hóa thành cơ chế quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong nghị quyết mới và thể hiện thành các đổi mới cụ thể trong tư duy, hành động thực tiễn của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
TS BÙI NGỌC HIỀN
TP cũng cần được quyền thí điểm tổ chức quản lý, phát triển đô thị trên cơ sở kết hợp quản lý của các cấp chính quyền với tự quản của các thiết chế cộng đồng; tổ chức các mô hình hợp tác công tư trong phát triển đô thị. Xác lập cơ chế để phân định và tổ chức thực hiện hiệu quả thẩm quyền của tập thể UBND với chủ tịch UBND TP.HCM nhằm đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, minh định trách nhiệm và phát huy tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, điều hành siêu đô thị TP.HCM.
Theo TS Hiền, một điểm trông đợi nhất trong nghị quyết mới là nên bỏ quy định thí điểm chung cả nghị quyết mới mà hướng đến quy định khung cơ chế, chính sách chung cho TP phát triển. Đồng thời, trao cho chính quyền TP.HCM thẩm quyền chủ động thí điểm hoặc đề xuất các cơ quan trung ương thí điểm các cơ chế, chính sách mới theo mô hình “sandbox” cùng những phương thức linh hoạt, phù hợp.
Đáng chú ý, cần quy định thẩm quyền của TP.HCM và TP Thủ Đức để phát huy đúng và hiệu quả vai trò, tiềm năng, lợi thế của TP Thủ Đức như đã định vị là “khu đô thị tương tác cao”, “cực tăng trưởng mới” của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
“Những kỳ vọng này cùng các cơ chế, chính sách về TP Thủ Đức cần đảm bảo tính thực tiễn, khả thi để có thể thực hiện được ngay và có tính mở. Qua đó, giúp chính quyền TP Thủ Đức và chính quyền TP.HCM chủ động tổ chức phát triển đô thị Thủ Đức. Đưa TP Thủ Đức thành nơi khai triển các ý tưởng, mô hình quản lý; các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai” - TS Hiền nói.
Tập trung năm nhóm cơ chế, chính sách
Từ những phân tích trên, TS Bùi Ngọc Hiền kiến nghị cần tập trung năm nhóm vấn đề cơ bản.
Một là về thẩm quyền của chính quyền TP.HCM trong quản lý, tổ chức phát triển TP khác với quy định của pháp luật hiện hành. Cơ chế, chính sách này tập trung vào thẩm quyền tổ chức bộ máy, thí điểm các mô hình quản lý mới; phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; tuyển dụng, thu hút, quản lý, sử dụng, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức, nhà khoa học…
Hai là về quản lý, phát triển những mô hình, nội dung mới tại TP.HCM như mô hình chính quyền đô thị, TP Thủ Đức; trung tâm tài chính quốc tế, đô thị tương tác cao, phát triển kinh tế số…
Các chuyên gia kỳ vọng nghị quyết mới khi được thông qua sẽ giúp TPHCM tận dụng tiềm năng, lợi thế và khơi thông các nguồn lực để phát triển bền vững. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ba là những lĩnh vực quản lý, phát triển mà chính quyền TP.HCM được phép ban hành hoặc phối hợp đề xuất các cơ quan trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm.
Bốn là việc thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP như đối tác công tư, xã hội hóa; thí điểm cơ chế thu hút, quản lý các nguồn lực phát triển TP…
Năm là xử lý các xung đột pháp lý, áp dụng pháp luật trong quá trình thực hiện nghị quyết mới. Cần xác lập cơ chế ưu tiên, đảm bảo việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong nghị quyết mới nếu xảy ra tình trạng xung đột, mâu thuẫn (nếu có) với các quy định của pháp luật hiện hành...
TS Hiền kỳ vọng nghị quyết mới hướng đến xác lập khung chính sách đảm bảo tận dụng tiềm năng, lợi thế và khơi thông các nguồn lực để phát triển bền vững TP.HCM trong thời gian tới thay vì đi vào quy định chi tiết các cơ chế, chính sách (sẽ được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn).
Như vậy, nghị quyết mới sẽ mở ra không gian pháp lý thoáng rộng hơn, qua đó vừa phát huy được truyền thống năng động, sáng tạo trong quản lý, phát triển của chính quyền TP, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của một siêu đô thị như TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung hay thay thế nghị quyết mới là nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh phát triển mới luôn đặt ra và xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặc biệt ở trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước như TP.HCM. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách để thí điểm quản lý, phát triển sẽ là yêu cầu thường xuyên hơn.
Phát huy tính năng động, sáng tạo của TP
TS Bùi Ngọc Hiền cho rằng trong nghị quyết mới nên có cơ chế phát huy truyền thống chủ động, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và người dân TP. Nhất là trong đề xuất các mô hình lãnh đạo, quản lý mới; cải cách trong lãnh đạo, quản trị, điều hành của hệ thống chính trị…
Cùng đó là xác lập cơ chế để chính quyền TP được tổ chức các kênh, mô hình huy động sự tham gia hiến kế, đóng góp các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp, xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
“Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị quyết 54 và đảm bảo tính vượt trội của nghị quyết mới, việc xây dựng nghị quyết mới cùng cơ chế, chính sách cụ thể cần được thực hiện với cách tiếp cận mới, đảm bảo tính mở và đặc biệt phải quan tâm, dự liệu về tính khả thi trên thực tiễn” - TS Hiền nhấn mạnh.
*****
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, đại biểu Quốc hội TP.HCM các khóa XIII, XIV, XV:
TP.HCM rất cần cơ chế đặc biệt, vượt trội
Qua ba khóa tham gia Quốc hội, tôi nhận thấy hệ thống luật của Việt Nam dù đã nỗ lực nhưng cũng không thể bao quát hết được những ngọn ngành, đặc thù của từng địa phương, từng loại hình đô thị.
PGS-TSTrần Hoàng Ngân. Ảnh: LÊ THOA |
Nước ta có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM và đáng lý chúng ta phải có Luật Đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa có luật này thì Luật Thủ đô cho Hà Nội và Nghị quyết 54 cho TP.HCM được xem là giai đoạn “quá độ” để sớm có Luật Đô thị đặc biệt.
Thực tế, Nghị quyết 54 chưa bao phủ hết nội dung của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Vì lúc soạn thảo Nghị quyết 54, chúng ta nóng lòng muốn giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, cần nguồn lực để đầu tư công là chủ yếu. Còn hiện nay khi đi sâu, bàn kỹ về một đô thị đặc biệt thì cần tính toán về quy mô dân số, kinh tế, tốc độ đô thị hóa… từ đó đặt ra nhiều bài toán về quản lý dân cư, quản lý - quy hoạch đô thị, kể cả giao thông, con người đô thị. Đồng thời, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao.
Tất cả vấn đề này đặt ra việc phải có một thể chế tương thích với đô thị đặc biệt. Và điều mà TP.HCM cần là có cơ chế đặc biệt, vượt trội vì TP hiện có quy mô dân số cao nhất nước và nằm trong top 20 TP đông dân nhất thế giới.
Quy mô kinh tế của TP cũng lớn nhất nước, như GDP chiếm 16%-17% (năm 2022), đóng góp 26%-27% tổng thu ngân sách cả nước, số doanh nghiệp chiếm 1/3 cả nước… TP.HCM còn là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế với sân bay, bến cảng; là trung tâm tài chính, nơi tổ chức sở giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam với nhiều định chế tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… của các nhà đầu tư trên thế giới.
Tất cả tiềm năng, lợi thế này cho thấy TP cần có một cơ chế tương thích để thoát ra khỏi “chiếc áo đang quá chật”.
***
TS VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Tạo sự phát triển lan tỏa cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước
Nghị quyết mới cho TP.HCM phải bao trùm khái niệm TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM như trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS Võ Trí Thành. |
Hiện cách tiếp cận của TP.HCM đã có hướng mới, không phải là cơ chế thí điểm theo nghĩa đặc thù mà là cơ chế chính sách đột phá cho TP, tạo sự lan tỏa phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận xu thế đi xuống của TP.HCM theo nhiều nghĩa. Những năm trở lại đây, chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng năng suất của TP có xu hướng giảm, năm 2019 và 2022 đều thấp hơn trung bình của cả nước. Cùng đó, Nghị quyết 54 không đủ sức giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM và những yêu cầu của TP.HCM. Vì vậy, rất cần một nghị quyết mới đủ sức để giải quyết những vấn đề của TP.
Do vậy, nghị quyết mới có hai mục đích là xử lý những vướng mắc hiện nay không thoát ra được của TP, sau đó là bắt kịp xu thế phát triển mới.
***
TS TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế:
Giúp TP.HCM thể hiện được vai trò đầu tàu
Trong quá trình xây dựng nghị quyết mới, lãnh đạo TP.HCM đã có sự đeo bám quyết liệt đối với các bộ, ngành trung ương.
TS Trần Du Lịch. |
Về bản chất, nghị quyết mới sẽ tập trung vào hai nhóm nội dung là tập trung phân cấp, phân quyền và tạo động lực, huy động nguồn lực ngân sách, nhà đầu tư, đội ngũ khoa học kỹ thuật. Và khi Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM sẽ thể hiện được vai trò đầu tàu dẫn dắt của mình.
Về cơ chế, có thể hiểu là mở rộng thẩm quyền trong một số lĩnh vực như trên để phát huy năng động, sáng tạo của chính quyền TP.HCM trong quá trình quản lý và phát triển.
Ngoài ra, lồng vào đó một số cơ chế, chính sách vượt trội, như chính sách để thu hút các nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược hoặc chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho những khu vực mà TP còn nhiều dư địa.
THANH TUYỀN - LÊ THOA