Nghị quyết 54 mới: Thí điểm thành công sẽ tạo tiền đề cho bước phát triển mới

(PLO)- Ủy ban Tài chính- Ngân sách có báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 54/2014/QH14, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đánh giá cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền TP.HCM xây dựng dự thảo “nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị”.

Một góc Thành phố Thủ Đức. Ảnh: PLO

Một góc Thành phố Thủ Đức. Ảnh: PLO

Nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị”

Cụ thể, cơ quan thẩm tra nhận xét nội dung các quy định phù hợp với định hướng trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội; các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

“Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới”-báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc một số vấn đề. Đặc biệt, tờ trình cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa?

Xét về số lượng chính sách tương đối rộng, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc ‘có sự lựa chọn, có trọng tâm’, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

“Đối với những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm, có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định”- cơ quan thẩm tra dẫn chứng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế; phát triển SaiGon Coop theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã chỉ nên thể hiện theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), không mở rộng phạm trù chính sách.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31. “Tại Dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, song cũng chỉ ở quy mô hẹp”- Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có bước vượt trội, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về ‘sức nặng’...

Cũng theo Ủy ban Tài chính, ngân sách, dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân; tuy nhiên còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm. “Đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông: Cần áp dụng chung cho cả Thành phố

Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình có thể chia thành hai loại chính sách, với tổng cộng 44 nội dung cụ thể. Loại thứ nhất là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54, các Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác và đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội.

Loại thứ hai là các chính sách mới lần đầu được quy định tại dự thảo, với bốn nhóm vấn đề gồm: đầu tư; tài chính- ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Các nhóm chính sách mới lần đầu được quy định tại dự thảo cơ bản đều nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan thẩm tra.

Đáng chú ý, về đầu tư, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đều tán thành với quy định về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD)- đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… .

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng nếu căn cứ dự thảo, Thành phố chỉ được thực hiện trên địa bàn nhất định là vùng phụ cận nhà ga thuộc tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. “Quy định này có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách”- Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá và cho rằng thực tế có thể có những vị trí khác nếu triển khai sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng thí điểm là áp dụng chính sách chung, thường rất hạn chế áp dụng với một vài dự án cụ thể trong khi dự thảo chỉ áp dụng đối với ba dự án.

“Đề nghị nghiên cứu, áp dụng chung cho cả Thành phố để chính sách có quy mô tương xứng, đột phá và tạo thế chủ động cho Thành phố trong thực hiện”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Về tài chính ngân sách, đa số ý kiến cho rằng việc có chính sách phát triển mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) là hợp lý, phù hợp với kinh nghiệm trên thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ mô hình tổ chức; hiệu quả hoạt động trên thực tế, kết quả mang lại thời gian qua và trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn của HFIC…

Liên quan đến quy định cho phép sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời, đa số Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phát triển xanh, Thành phố có lợi thế là có lượng bức xạ lớn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ nguồn lực thực hiện việc chuyển đổi; cần có giải pháp xử lý kỹ thuật, tránh quá tải, mất an toàn vận hành lưới điện; đặc biệt, cần bảo đảm không gây hậu quả cho môi trường (pin thải).

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, dự thảo quy định giao Thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi pháp luật hiện hành đang quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn. Điều này cũng gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp.

“Để tạo chủ động, nên giao Thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội”- cơ quan thẩm tra nêu ý kiến, đồng thời cho rằng cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thành lập Sở An toàn thực phẩm: Cần xin ý kiến Bộ Chính trị

Một nội dung quan trọng khác liên quan đến tổ chức bộ máy của Thành phố, dự thảo quy định việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý.

Ngoài ra, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu “trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng “nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị”.

Về chi thu nhập tăng thêm, đa số ý kiến nhất trí với quy định như Dự thảo về chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. “Quy định của Dự thảo là hợp lý nếu mức chi không quá 0,8 lần quỹ lương thuộc phạm vi quản lý”- báo cáo thẩm tra nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm