TP.HCM muốn đột phá để đóng góp nhiều hơn cho đất nước

TP.HCM muốn đột phá để đóng góp nhiều hơn cho đất nước

(PLO)- Việc TP.HCM thí điểm các cơ chế mới để có thể nhân rộng cho cả nước thể hiện truyền thống của TP là tính năng động, sáng tạo, dám nhận trách nhiệm, dám đi đầu, vượt lên thử thách, khó khăn.

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mang sứ mệnh vì sự phát triển chung của cả nước, hiện thực hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, giúp TP phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV) đã nhấn mạnh như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tầm quan trọng của nghị quyết này.

PGS-TSTrần Hoàng Ngân trao đổi về những điểm nhấn quan trọng của nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

PGS-TSTrần Hoàng Ngân trao đổi về những điểm nhấn quan trọng của nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Nhiều kỳ vọng đối với TP.HCM

. Phóng viên: Bối cảnh nào để TP.HCM quyết tâm xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thưa ông?

+ Ông Trần Hoàng Ngân:TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí địa lý, chính trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong 48 năm xây dựng, phát triển TP, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của TP nhằm khẳng định điều này.

Mới đây nhất, ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31, trong đó nêu rõ: “TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, giáo dục và đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới…”.

Tuy nhiên, nghị quyết này cũng chỉ ra việc TP chưa được khai thác hết hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cùng với đó, những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP...

Do đó, để đạt được mục tiêu mà trung ương đề ra trong các nghị quyết đòi hỏi phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để chuyển tải sứ mệnh mà trung ương giao cho TP.

Chuẩn bị công phu

TP.HCM đã cùng Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực chuẩn bị miệt mài, công phu ròng rã trong sáu tháng để xây dựng dự thảo nghị quyết này. Một điểm nổi trội là lần này, khi TP.HCM chuẩn bị nghị quyết thì cũng chuẩn bị luôn nội dung nghị định để triển khai nghị quyết, cùng với đó là danh mục các công trình đầu tư.

TP.HCM chưa bao giờ mong muốn, chờ đợi, khát khao chung sức cùng cả nước khắc phục tình trạng kinh tế đang suy giảm như lúc này, để TP.HCM tiếp tục là đầu tàu của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Đồng thời, TP.HCM có đủ điều kiện để thực hiện nghị quyết mới và dám nhận trách nhiệm của mình cũng là phát huy, cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chúng ta khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng cũng phải có cơ chế bảo vệ và phải được luật hóa. Trong điều kiện chưa thể áp dụng trên cả nước thì chúng ta thực hiện thí điểm tại TP.HCM.

Qua thực tiễn thực hiện Nghị quyết 54/2017 cũng cho thấy đây là quyết sách kịp thời, tạo không gian nhất định cho TP phát triển, giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, cũng như thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho TP. Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân.

Việc tạo cơ chế sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn thu để phát triển hạ tầng, giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc tạo cơ chế sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn thu để phát triển hạ tầng, giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Vậy cách tiếp cận khi xây dựng nghị quyết mới này có gì khác so với Nghị quyết 54/2017?

+ So với Nghị quyết 54, nghị quyết mới lần này cũng dựa trên Hiến pháp và các định hướng, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM trong giai đoạn mới. Các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã giao nhiệm vụ, đặt nhiều kỳ vọng cho TP.

Tại Nghị quyết 31 cũng đặt ra kỳ vọng mới, vị thế mới, tầm cao mới cho TP.HCM trong bức tranh so sánh với các đô thị lớn trên thế giới, ở góc độ là một trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến phát triển toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để TP.HCM “sánh vai với các cường quốc năm châu”, trở thành một đô thị lớn phát triển ngang tầm thế giới, tôi cho rằng TP.HCM cần một cơ chế đột phá, một thể chế vượt trội, giúp TP có thể đảm đương, thực hiện được nhiệm vụ chính trị lớn lao này.

Từ các yêu cầu của nghị quyết Bộ Chính trị, Quốc hội, cũng như yêu cầu của thực tiễn nên tính cấp thiết phải ban hành nghị quyết mới ở thời điểm này là điều quan trọng.

TP.HCM tăng nguồn thu để đóng góp cho cả nước

Khi TP.HCM chi ngân sách 1 đồng thì sẽ thu về cho ngân sách 5 đồng. Trong thu hút vốn đầu tư xã hội cũng thế, chi 1 đồng cho đầu tư công thì thu hút 9 đồng để đầu tư xã hội. Nếu tăng đầu tư công 10% thì tăng trưởng kinh tế TP sẽ tăng thêm 0,7%. Đây là điểm vượt trội của TP.HCM.

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế TP có xu hướng chậm lại như hiện nay do nhiều nguyên nhân, việc có thêm cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội trong nghị quyết mới sẽ giúp TP tăng trưởng nhanh và bền vững hơn. Điều quan trọng là TP sẽ đóng góp nhiều hơn cho nguồn thu của cả nước, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho cả nước và chia sẻ với các địa phương còn khó khăn.

Qua năm năm thực hiện Nghị quyết 54, tổng thu ngân sách của TP đạt 2 triệu tỉ đồng, trong đó TP đã chuyển cho trung ương 1,6 triệu tỉ đồng. Có thể thấy sự đóng góp của TP vào cả nước là rất lớn.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

22 cơ chế, chính sách mới hoàn toàn

. Nghị quyết mới sẽ nhấn mạnh vào những cơ chế đột phá nào, thưa ông?

+ Dự thảo nghị quyết mới có bảy nhóm chính sách lớn với hơn 40 cơ chế, chính sách. Trong đó có hai chính sách kế thừa Nghị quyết 54, năm chính sách vừa kế thừa vừa “nâng cấp” từ Nghị quyết 54, bốn chính sách tương tự các địa phương khác, sáu chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng với 22 cơ chế, chính sách mới hoàn toàn.

Đáng chú ý, TP.HCM đề xuất cơ chế đột phá để được chủ động, linh hoạt bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn thu ngân sách địa phương nhằm thực hiện các công trình quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Và việc này sẽ được giao cho HĐND TP quyết định.

Hay việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) là mô hình mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, đi liền với các trung tâm, nút giao, trạm tàu điện ngầm… mà việc này phải đảm bảo quy hoạch phù hợp để khai thác hiệu quả không gian ngầm.

Một đột phá nữa là việc áp dụng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao nhằm thu hút các nguồn lực xã hội. Bởi đầu tư khu vực tư nhân chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư xã hội ở TP.HCM với khoảng 85%-87% (bao gồm cả đầu tư nước ngoài). Do đó, rất cần cơ chế thu hút các nguồn lực này trong đầu tư phát triển TP. Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao hiện chưa được luật cho phép hợp tác công tư nên cần thí điểm.

TP.HCM tiếp tục tiên phong thí điểm các chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM tiếp tục tiên phong thí điểm các chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: HOÀNG GIANG

. Với nghị quyết mới này, TP sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của cả nước?

+ Thực tế, đây là cơ chế thí điểm để có thể nhân rộng cho cả nước, thể hiện truyền thống của TP là tính năng động, sáng tạo, dám nhận trách nhiệm, dám đi đầu, vượt lên thử thách, khó khăn. Thậm chí, khi TP.HCM thí điểm một thời gian có thể “luật hóa” để áp dụng cho cả nước. Đây được xem như là tính đặc thù, “đặc sản” của TP.HCM.

Còn nhớ giai đoạn trước đổi mới với nhiều khó khăn, TP.HCM đã năng động, sáng tạo, dám “xé rào” tìm ra các giải pháp để lo cho dân. Đến thời kỳ đổi mới, TP tiếp tục là nơi thí điểm đi đầu trong việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó các việc này cũng đã được “luật hóa”. Hay như thực hiện cổ phần hóa, thành lập khu chế xuất, TP cũng tiên phong thí điểm…

Lần này, TP.HCM tiếp tục tiên phong thí điểm các chính sách được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), làm bằng chứng thực tiễn để “luật hóa” đầy đủ hơn.

Đáng chú ý, Đại hội XIII của Đảng đã đi qua nửa nhiệm kỳ. Nếu như nghị quyết mới này được ban hành sớm, TP.HCM có điều kiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để tổng kết, rút kinh nghiệm với bằng chứng thực tiễn sinh động thì sẽ có những định hướng mới cho Đại hội XIV của Đảng tới đây, có chính sách phù hợp hơn cho đất nước trong giai đoạn mới 2026-2030.

* * * * *

Sẽ mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM

Hôm nay (12-5), tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tại dự thảo nghị quyết này, Chính phủ trình QH quy định cho phép TP.HCM thí điểm bảy nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức với nhiều điểm mới.

Về cơ chế quản lý đầu tư, QH cho phép TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo đó, HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến Metro 1, Metro 2, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo quy định.

Về tài chính, ngân sách, dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM sử dụng các mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Về tổ chức bộ máy của TP, QH đồng ý cho TP.HCM chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương để thành lập Sở An toàn thực phẩm.

UBND huyện thuộc TP.HCM có không quá ba phó chủ tịch; UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 người trở lên có không quá ba phó chủ tịch.

Về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức, dự thảo nghị quyết quy định HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP.HCM phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong các lĩnh vực quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền…

Theo dự thảo, tại điều khoản thi hành, Chính phủ có trách nhiệm trình QH thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hoạt động theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã.

Chính phủ cũng có trách nhiệm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển TP, trên nguyên tắc cho phép TP thực hiện thí điểm.

Đồng thời mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP.HCM so với các quy định hiện hành trên lĩnh vực quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, đảm bảo vai trò hạt nhân của TP trong vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. ĐỨC MINH

Đọc thêm