Chờ đợi nghị quyết mới giúp TP.HCM đột phá

(PLO)- Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ khơi thông các nguồn lực, giúp TP không bỏ lỡ cơ hội phát triển, tạo đà bứt phá để vươn lên xứng tầm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM là một đô thị đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và để TP.HCM phát huy được vai trò của mình, các cơ quan đã xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 để trình Quốc hội (QH).

Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ khơi thông các nguồn lực, tạo đà bứt phá để TP vươn lên xứng tầm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ khơi thông các nguồn lực, tạo đà bứt phá để TP vươn lên xứng tầm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sự cần thiết cần có nghị quyết mới

Là người theo sát quá trình phát triển của TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đánh giá qua năm năm thực hiện Nghị quyết 54, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế TP liên tục đạt tăng trưởng cao, trừ giai đoạn hai năm chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Theo ông Ngân, những kết quả tích cực mà Nghị quyết 54 mang lại rất rõ nét, một số chính sách đã phát huy hiệu quả và cần tiếp tục thực hiện, nhân rộng trên cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao như kỳ vọng đặt ra. Một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn vì cơ chế, chính sách thí điểm là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.

Về khách quan, trong năm năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai và hai năm chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Do đó, không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết này.

Chính vì vậy, ông Ngân nhìn nhận yêu cầu cấp thiết hiện nay là TP cần có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP để tương xứng với đầu tàu kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc này giúp phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP.HCM đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước mà Bộ Chính trị, QH đã đề ra trong Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 được ban hành mới đây.

Những kết quả mà Nghị quyết 54 mang lại rất rõ nét, một số chính sách đã phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được thực hiện, nhân rộng trên cả nước.

Dự thảo nghị quyết mới chú trọng cơ chế, chính sách đột phá

Mới đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri TP trước kỳ họp thứ năm QH khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay tại kỳ họp này, QH sẽ thảo luận và dự kiến thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đột phá, phát triển TP.HCM.

Thời gian qua, các cơ quan của TP.HCM đã phối hợp cùng Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành để xây dựng dự thảo nghị quyết mới. “Đến giờ này TP đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình chuẩn bị nghị quyết của QH, chất lượng dự thảo cũng được các cơ quan thẩm định bước đầu, đánh giá có chất lượng tốt” - ông Mãi nói và cho biết dự thảo nghị quyết mới gồm nhiều cơ chế, chính sách cho sự phát triển của TP trong thời gian tới.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nói điểm khác biệt so với Nghị quyết 54 là lần này TP không đặt nặng nguồn thu hay điều tiết tỉ lệ ngân sách mà chú trọng cơ chế, chính sách đột phá để TP có thể thu hút được các nguồn lực.

Đáng chú ý, TP đề nghị được phân cấp, phân quyền mạnh hơn để TP giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng. “TP muốn được tập trung vào lĩnh vực như đầu tư, tài chính, quản lý đất đai, đô thị, tổ chức bộ máy, kể cả tiền lương, biên chế” - ông Mãi nói và cho biết TP cũng đề xuất các cơ chế, tổ chức hoạt động cho TP Thủ Đức nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp TP này phát huy đúng vai trò, vị trí.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM kỳ vọng với tư duy, cách tiếp cận mới này, QH sẽ thông qua nghị quyết mới về thí điểm cơ chế đột phá, nhằm huy động nguồn lực, tạo sự chủ động cho TP để đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển TP.

Quan trọng nhất, nếu TP.HCM được thí điểm những cơ chế đột phá sẽ góp phần thực hiện tốt các mục tiêu mà Nghị quyết 31 mà Bộ Chính trị đã đặt ra. “Đó là những việc luật chưa quy định hoặc đã có các quy định nhưng còn chồng chéo với nhau. Không giải quyết được các vấn đề để TP phát triển thì làm sao khai phóng hết các nguồn lực” - ông Mãi nói thêm.

Trong dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, dự kiến có tám nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế được Chính phủ trình, đề nghị Thường vụ QH tập trung vào 27 chính sách cụ thể là chính sách mới nằm trong 7-8 nhóm chính sách.

Trong đó, có 13 loại chính sách gồm chính sách kế thừa hoàn toàn Nghị quyết 54 và một số chính sách kế thừa nhưng hoàn thiện hơn; có sáu loại chính sách cụ thể được đưa vào các dự án luật hiện nay trình QH với hàm ý cho TP.HCM đi trước thực hiện.

Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ nói tại khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ QH
ngày 9-5

TP.HCM không muốn để mất cơ hội phát triển

Chia sẻ tại buổi làm việc của Đảng đoàn QH với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP hôm 7-5, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay tiềm năng của TP còn rất lớn, nếu có điều kiện thuận lợi, có cơ chế phát huy hết thì TP sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

Tuy nhiên, TP cũng có những khó khăn khi phải ứng phó với biến động, khủng hoảng ở bên ngoài, vừa tháo gỡ những vướng mắc của thực tiễn nội tại của TP. Trăn trở của lãnh đạo TP.HCM hiện nay là làm sao để có những cơ chế tháo gỡ những điểm nghẽn.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nêu quan điểm việc TP.HCM muốn thí điểm các cơ chế, chính sách là muốn có sự cải cách, đổi mới thực sự để TP.HCM không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Nhấn mạnh thêm, bí thư TP.HCM nói trong bối cảnh vừa kiến tạo vừa phát triển, vừa khuyến khích bảo vệ tinh thần sáng tạo đổi mới, dám nghĩ, dám làm thì việc triển khai thí điểm các chính sách mới tại TP.HCM - một trong những địa phương năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước là phù hợp.

Cũng theo ông Nên, qua năm năm thực hiện Nghị quyết 54, còn nhiều việc TP chưa làm được, vẫn còn tồn tại, hạn chế nhưng không thể vì chưa làm được mà không giao việc nữa. Thay vào đó, cần chấp nhận để đầu tư giao cơ chế, giao việc cho TP cũng là vì sự phát triển của cả nước.

Bí thư TP.HCM nói TP nhận thức được những thách thức, điểm nghẽn cần phải đối mặt và vượt qua về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách huy động các nguồn lực xã hội và giải quyết các tồn đọng.

Từ đó, ông bày tỏ mong muốn dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ sớm được xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ năm tới của QH để TP không lỡ mất thời cơ, cơ hội cho sự phát triển.•

Có cơ chế để giải phóng các nguồn lực của TP.HCM

TP.HCM cần một cơ chế hướng đến hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để tháo gỡ các nút thắt, các điểm nghẽn, giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP và để TP thực sự làm đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Cơ chế đó phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của TP; lấy tốc độ phát triển của TP làm đòn bẩy.

Định hướng phát triển của TP trong giai đoạn tới nên tập trung vào kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế dịch vụ, logictics…, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến và năng lực đổi mới sáng tạo chính là động lực phát triển.

TP cần quan tâm đến tỉ lệ phần trăm được giữ lại để phục vụ đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng yếu. TP cũng cần đưa ra dự báo một cách khoa học và cũng như cam kết của TP về mức độ tăng trưởng của ngân sách TP trong năm năm, 10 năm tới…

Các lĩnh vực trọng yếu mà TP.HCM cần được đầu tư, khơi thông nguồn lực, trước hết là về phát triển con người, như đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý ngang tầm nhiệm vụ…

Kế đến là tập trung đầu tư, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để điều này thực sự trở thành động lực, là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Cạnh đó, TP cần tập trung vào việc cải cách thể chế, các chính sách xã hội; đầu tư xây dựng TP thông minh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng và tiện lợi. Xây dựng thêm hệ thống trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, lao động nhập cư.

Song song đó, tập trung phát triển hạ tầng; đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng hệ thống hạ tầng của TP bao gồm cả đường, cảng, sân bay có tính đến yếu tố kết nối vùng; xây dựng hạ tầng số và hạ tầng khoa học - công nghệ…

Trung ương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho TP.HCM trong việc quy hoạch, vận hành, khai thác hoặc bán các tài sản công trên địa bàn TP và trích nộp ngân sách về trung ương theo tỉ lệ quy định; trong tổ chức bộ máy…

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đại biểu QH TP.HCM khóa XV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm