Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải loạt bài điều tra “Trật tự đô thị 'làm luật' người bán hàng rong” khiến nhiều bạn đọc quan tâm. Loạt bài đã cho thấy hành vi hối lộ của cán bộ trật tự đô thị (TTĐT) tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM).
Theo đó, cán bộ TTĐT này cùng với một số cán bộ TTĐT khác được phân công làm việc tại chợ để giảm bớt tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường tại khu vực. Dù thường xuyên túc trực tại trạm, tuần tra và phát loa để người dân dẹp buôn bán hằng ngày nhưng rồi lại đâu vào đó, tình trạng buôn bán lấn chiếm không hề thuyên giảm.
Người bán hàng rong quanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn bán hàng từ lòng lề đường, vỉa hè, dải phân cách... từ sáng tới tối. Ảnh: TÂN - YÊN |
Một người buôn bán ở chợ chồm hổm trước chợ cho biết hằng tháng đều phải đóng tiền cho cán bộ TTĐT. Tuy nhiên, không ai dám đứng ra tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến việc buôn bán.
Thậm chí khi cán bộ TTĐT này tịch thu tài sản, phương tiện tự chế dùng để vận chuyển, mua bán hàng hoá của người dân nhưng không hề lập biên bản và sau đó tự ý trả phương tiện khi đã nhận được một số tiền từ người vi phạm.
Dưới đây là những ý kiến bạn đọc sau khi loạt bài điều tra được đăng tải:
Sao giải quyết được bát nháo vỉa hè, lòng đường?
Một số bạn đọc cho rằng tình trạng “làm luật” của cán bộ TTĐT đã có từ lâu và hiện còn đang xảy ra ở nhiều nơi. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè mãi không thể dẹp được.
“Chuyện này không phải mới, nó đã có từ rất lâu. Không chỉ có ở nơi này mà hầu như ở cả nước, người dân ai ai cũng biết, cũng thấy, cũng nghe nhưng quan trọng là các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ, khó...” - bạn đọc Võ Tâm.
“Đây là lý do bát nháo vỉa hè, lòng đường mãi không dẹp được. Vì những người bán hàng rong lấn chiếm lòng đường họ nghĩ chỉ cần làm theo 'luật chung chi' rồi sẽ được buôn bán như thường. Cán bộ TTĐT thì lấy đó bỏ túi riêng, rồi để mặc người dân lấn chiếm, không thèm giải quyết, lâu lâu thì bắt một vài trường hợp, tịch thu phương tiện về rồi cũng ngõ ý để người vi phạm gửi tiền rồi lại trả phương tiện cho người vi phạm buôn bán tiếp tục” - bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn.
"Dư luận đã truyền tay nhau về những 'luật ngầm' này, dù chính quyền đã có nghe đến nhưng không tiến hành điều tra và ngăn chặn. Sự việc trong loạt bài điều tra này sẽ là lời cảnh tỉnh để những cán bộ khác nghiêm túc thực thi pháp luật, làm đúng trách nhiệm của mình” - bạn đọc Thảo Lê.
“Dẫu biết là vì kiếm sống, vì mưu sinh nên người dân mới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sử dụng xe tự chế… để buôn bán. Thế nhưng pháp luật đã nghiêm cấm thì đừng nên vi phạm, đặc biệt không nên tiếp tay cho những hành vi sai trái của các cán bộ TTĐT này. Bản thân người dân hãy làm đúng với quy định, đúng với pháp luật để tố cáo những hành vi sai trái đó của cán bộ TTĐT” - bạn đọc quanghohai…@gmail.com.
Quản lý chặt chẽ hơn
Một số bạn đọc cho rằng, sự việc này cần xử lý nghiêm các cán bộ đã vi phạm để răn đe. Đồng thời, hy vọng chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hơn, để cán bộ TTĐT làm đúng nhiệm vụ của mình từ đó hạn chế tình trạng bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Cá nhân mình hy vọng sau loạt phóng sự này và những sự kiện nóng hổi mang tính chất tương tự trong 2023 vừa qua, thì các cấp lãnh đạo có thẩm quyền sẽ thật sự ngồi lại và xem xét thay đổi những biện pháp giám sát những lực lượng này, chứ cứ giám sát trên tinh thần văn bản vậy là không ăn thua” - bạn đọc Hoàng Thiên Vương.
“Cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã có những loạt bài phóng sự điều tra rất cần thiết để vạch ra bộ mặt của nạn xấu trong xã hội. Tin chắc rằng, các chính quyền địa phương cũng như các cán bộ TTĐT nơi khác sẽ nhìn sự việc này làm bài học từ đó khắc khe hơn trong việc quản lý và sẽ làm đúng với quy định để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bán hàng rong không còn tái diễn. Bên cạnh đó, nếu thấy có hành vi “làm luật” tương tự cần ngăn chặn và xử lý ngay” - bạn đọc Nguyễn Thị Ý Vi.
“Ngang nhiên nhận tiền rồi để mặc cho người dân vi phạm trong khi mình lại là người xử lý vi phạm. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm để răn đe cho những người khác, không thể để trường hợp tương tự xảy ra” - bạn đọc LeChiHung.
“Chúng ta cần học hỏi những mô hình ở nước ngoài, nhất là Thái Lan. Họ tổ chức hẳn chợ cóc, chợ chồm hổm, hay thậm chí họ thành lập một khu riêng biệt cho những người bán hàng rong. Chính vì giải pháp đó mà họ không có nhiều hoặc không có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, buôn bán không đúng nơi, đúng chỗ như ở Việt Nam chúng ta. Ngay từ lúc này, các cấp chính quyền nên có những giải pháp cho việc này và thực hiện chúng sớm nhất có thể để Việt Nam ngày một phát triển hơn” - bạn đọc NTNghia.
Đã bị khởi tố và bắt tạm giam
Trong lúc thực hiện bài điều tra, cán bộ TTĐT nói trên (tức ông Phan Ngọc Sơn, tổ phó tổ TTĐT xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã bị Công an huyện Hóc Môn bắt quả tang khi đang nhận 3 triệu đồng của người dân tại chốt tạm của tổ TTĐT ở chợ.
Hiện, công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Sơn về tội nhận hối lộ.
Tiếp đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn cũng đã bắt giam ông Nguyễn Trung Nghĩa, tổ trưởng tổ này, để điều tra.
Theo cáo buộc của công an, ông Nghĩa đồng phạm với ông Sơn trong các vụ nhận hối lộ của tiểu thương.
Tất cả lệnh và quyết định đã được VKS cùng cấp phê chuẩn. Hiện Công an huyện Hóc Môn tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Loạt bài là sự phối hợp của báo Pháp Luật TP.HCM với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực tại khu vực chợ này.
NGUYỄN TÂN - NGUYỄN YÊN
Huỳnh Thơ (tổng hợp)