Thông tin trên vừa được đưa ra tại “Hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 29-11.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia của WHO, Bộ Y tế cho rằng những trường hợp trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine thời gian qua tại Việt Nam là “không liên quan đến chất lượng vaccine”. Do đó, không có lý do nào để dừng tiêm vaccine Quinvaxem. Theo BS Trần Minh Như Nguyện, đại diện WHO tại Việt Nam, không có loại vaccine nào hiệu quả 100% và không có vaccine nào an toàn tuyệt đối 100%. Tỉ lệ trẻ tử vong sau tiêm chủng ở Việt Nam tương đương với mức trung bình của thế giới. Theo đó, việc nhập khẩu vaccine ở Việt Nam được theo dõi, quản lý chặt chẽ, an toàn. Ngoài ra, hệ thống vận chuyển, bảo quản vaccine đến các cơ sở tiêm chủng cũng bảo đảm chất lượng, kỹ thuật.
Tiêm vaccine cho trẻ em tại địa phương. Ảnh: DN
GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng thông tin thêm, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10-15 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, kết quả điều tra của ngành y tế cho thấy các trường hợp trẻ tử vong “không liên quan” đến chất lượng vaccine. Về trường hợp cháu bé ở Bạc Liêu tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem là do sốc phản vệ. Theo ông Hiển thì lô vaccine đó tiêm cho hơn 250.000 trẻ khác nhưng không gặp vấn đề gì xảy ra. Nếu vaccine không được bảo quản đúng điều kiện thì tiêm vào cũng không dẫn đến tử vong. Trường hợp tiêm không đúng vị trí trên cơ thể cũng không dẫn đến tử vong… Đối với ba trường hợp trẻ tử vong ở Quảng Trị sau khi tiêm vaccine thì Bộ Y tế đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Không dừng tiêm Quinvaxem Theo thống kê, từ tháng 7-2010 đến tháng 4-2013, đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, trong đó có 27 trẻ tử vong. Chín trẻ có xảy ra phản ứng do vaccine nhưng đều qua khỏi. Cũng theo ông Hiển, việc thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất khó thực hiện vì kinh phí rất lớn. Hiện có khoảng 90 quốc gia đang sử dụng loại vaccine này. “Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 0,17/1 triệu, thấp hơn so với loại vaccine tương tự sử dụng trước đó, đặc biệt khi Việt Nam sử dụng tới 4,5 triệu liều Quinvaxem/năm. Khi kinh tế phát triển, chúng ta sẽ thay thế vaccine an toàn hơn nhưng ở thời điểm này thì không có lý do gì để dừng tiêm vaccine Quinvaxem” - ông Hiển nói. |
TẤN TÀI