Quán bê thui G. trên đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) khá đông khách. Quán có tuổi đời gần 20 năm, được dân nhậu thường chọn là điểm đến.
Dân nhậu tại quán ai cũng biết đến những câu thơ “chế” vui tai được in và dán ngay ngắn trên vách tường nhà vệ sinh nam với nét chữ trau chuốt. Bên cạnh mỗi bài thơ là bức tranh minh họa tuyệt đẹp.
Đây là bài chế từ bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam: “Ai bảo nhậu lai rai là xỉn/ Tôi mơ màng men rượu bốc lên cao/ Có những chiều say xỉn té cầu ao/ Vợ bắt được chưa đánh roi nào tôi đã khóc/ Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích/ Chị giận rồi tối sang ngủ với em”.
Những bài thơ nhại được in và treo trong toilet quán nhậu G. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Một bài thơ của tác giả nổi tiếng được chế cho việc cổ vũ nhậu theo kiểu “Chị giận rồi tối sang ngủ với em”.
Đành rằng là chuyện vui nhưng vui thế này có phạm luật?
Có thể bị phạt tiền, buộc xin lỗi
Theo luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), việc chỉnh sửa, thêm thắt, thay thế một số từ ngữ trong một đoạn thơ như bài viết nêu là một dạng xâm phạm bản quyền của tác giả đã sáng tạo ra bài thơ đó. Đoạn thơ của bài Quê hương bị biến tấu trên đã có quyền tác giả, thậm chí rất nổi tiếng trong xã hội.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ thì đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả về tác phẩm văn học (trong đó thơ là một tác phẩm văn học). Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì căn cứ để phát sinh, xác lập quyền tác giả là kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy hành vi của chủ quán nhậu đã vi phạm khoản 5 và khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, việc tự ý sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc hoặc làm tác phẩm phái sinh (như phóng tác, cải biên, chuyển thể...), dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đều là hành vi xâm hại quyền tác giả.
Phải có yêu cầu của tác giả
Tuy nhiên, theo luật sư Tám, điều kiện bắt buộc là phải có yêu cầu của tác giả (hoặc người thừa kế quyền tác giả khi tác giả đã mất) thì mới có thể xử lý được chủ quán nhậu. Cơ quan quản lý nhà nước không thể tự nhiên đến lập biên bản xử lý nếu không có yêu cầu của tác giả.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 131/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) thì có thể phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người vi phạm phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, buộc dỡ bỏ hoặc tiêu hủy bản sao tác phẩm vi phạm. Nếu xác định đó là tác phẩm phái sinh thì theo Điều 12 Nghị định 131/2013, có thể phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (biện pháp khắc phục là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm).
Ngoài ra, nếu tác giả của bài thơ chứng minh được thiệt hại thực tế khi tác phẩm của mình bị cải biên thì có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ là Điều 609 BLDS (bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm) và Điều 611 BLDS (bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm). Tất nhiên người khởi kiện phải tự thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. TAND cấp huyện nơi người có hành vi xâm hại cư trú hoặc làm việc có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ kiện.
Chế ca dao, tục ngữ thì không phạm luật Riêng những câu ca dao, tục ngữ thì chủ sở hữu là toàn xã hội vì nó được sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất của người dân, được hình thành trên cơ sở dân gian truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó biểu hiện trên tác phẩm văn học nhưng khuyết danh vì không có chủ thể nào cụ thể sáng tạo ra. Vì thế hành vi “chế” thể loại này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện việc vi phạm đó trái với thuần phong mỹ tục hoặc gây phản cảm thì cơ quan quản lý chỉ có quyền nhắc nhở, vận động người vi phạm chấm dứt hành vi chứ không có quyền xử phạt hay yêu cầu bồi thường thiệt hại. Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, __________________________________ Hành vi xâm phạm quyền tác giả …5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. …7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của luật này. (Trích Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ) |