Triển vọng trong điều chế vaccine Corona

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận tính đến ngày 6-2, nước này có 565 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra. Hiện số ca tử vong bên ngoài TQ đại lục vẫn dừng lại ở hai ca, một ở Hong Kong và một ở Philippines.

Trên toàn cầu có 28.340 ca nhiễm (TQ đại lục có 28.076 ca, 264 ca còn lại ở 28 nước và vùng lãnh thổ). Tuy nhiên, số người được chữa khỏi virus Corona trên toàn cầu cũng đang tăng lên nhanh chóng với 1.302 bệnh nhân cho kết quả âm tính sau thời gian điều trị.

Đột phá lớn trong điều chế vaccine Corona

Giới y học thế giới đang chạy đua với thời gian để điều chế vaccine chống virus Corona. Nhờ việc TQ nhanh chóng cung cấp mã gen của virus, các nhà khoa học đang bắt tay nghiên cứu nguồn gốc, khả năng biến đổi và biện pháp đối phó chủng virus này với kết quả ngày càng khả quan.

Theo hãng tin Sky News, một nhóm nghiên cứu ở ĐH Hoàng gia Anh do GS Robin Shattock dẫn đầu ngày 5-2 tuyên bố thành công trong việc giảm thời gian điều chế vaccine Corona.

“Cách tiếp cận thông thường để phát triển vaccine cần tới 2-3 năm để hoàn thành. Chúng tôi đã giảm thời gian này xuống chỉ còn 14 ngày. Nhóm sẽ thử nghiệm trên động vật vào tuần tới và theo dõi kết quả. Giai đoạn tiếp theo sẽ chuyển sang nghiên cứu áp dụng cho người. Và chúng tôi nghĩ nếu được tài trợ đầy đủ, chúng tôi có thể thử nghiệm vaccine trên người chỉ trong vài tháng” - ông Shattock khẳng định.

Các chuyên gia thuộc ĐH Y Ấn Độ đang tham gia điều chế vaccine Corona. (Ảnh chụp ngày 3-2). Ảnh: AFP

Tỉ lệ tử vong thật sự rất thấp

Theo hãng tin Reuters, hiện cứ mỗi 23 bệnh nhân ở Vũ Hán sẽ có một người tử vong. Trên toàn TQ, tỉ lệ giảm xuống chỉ còn một người trên 50 bệnh nhân. Còn ở ngoài lãnh thổ đại lục, tính đến ngày 6-2 chỉ có hai ca tử vong trên 264 ca nhiễm. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại TQ Gauden Galea cho biết phương pháp tính tỉ lệ tử vong đang được áp dụng hiện nay là sẽ chia tổng số ca bệnh cho số tử vong rồi đưa ra mức 2%. Con số này được dự đoán đang giảm dần theo thời gian.

Dù vậy, các nhà khoa học ước tính tỉ lệ thật sự còn thấp hơn. Chuyên gia về phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) - ông Amesh Adalja nhận định thậm chí tỉ lệ tử vong có thể xuống chỉ còn 1%. “Khi một dịch bệnh bùng nổ, các chuyên gia thực sự rất nghi ngờ tỉ lệ tử vong trên giấy vì đó thường chỉ là những trường hợp rất nghiêm trọng đang được mọi người chú ý. Việc bổ sung các trường hợp triệu chứng nhẹ sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguy cơ” - ông Adalja cho biết.

Ngoài ra, các trường hợp nhẹ không được khai báo cũng có thể làm tăng tỉ lệ tử vong vì lúc đó số người nhiễm virus được thống kê sẽ không chính xác. “Cần nhớ lại rằng khi cúm H1N1 xuất hiện vào năm 2009, tỉ lệ tử vong ban đầu ước tính lên đến 10%” - nhà dịch tễ học David Fisman cho biết. “Tính toán đó hóa ra là vô cùng sai lầm. Khi số ca bệnh tăng lên, tỉ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt” - ông nói.

Nhiều chuyên gia ở TQ nhận định dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào ngày 9-2. Tuy nhiên, tương tự như trên, vẫn chưa đủ thông tin chính xác về mức độ lây nhiễm trong cộng đồng để xác định thời điểm của đỉnh dịch.

Phòng, chống dịch một cách thông minh

Theo GS Clement Schmeler thuộc ĐH Y tế quốc gia Singapore, dù tình hình dịch Corona hiện không thể xem nhẹ, mỗi nước và mỗi công dân đều nên xác định thái độ đúng đắn và hợp lý nhằm đối phó hiệu quả với dịch bệnh. “Chúng ta phải hết sức cảnh giác nhưng cũng đồng thời phải thật bình tĩnh, tránh những biểu hiện có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chung dài hạn này” - tờ The Straits Times dẫn lời ông Schmeler cho biết.

“cảnh giác phải đi đôi với bình tĩnh. Nếu hoảng loạn, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như người dân đổ xô tới bệnh viện khiến bệnh viện bị quá tải. Việc này sẽ khiến những ca nhiễm thực sự không được điều trị và có những bệnh nhân khác tử vong vì những bệnh khác do mọi người quá tập trung vào Corona” - chuyên gia Clement Schmeler giải thích.

Đối với chính phủ các nước, vấn đề minh bạch thông tin là rất quan trọng. Ngoài việc đưa đến cho người dân những thông tin kịp thời, các cơ quan chức năng phải tích cực ngăn chặn các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hiểu lầm về tình hình dịch bệnh.

Hãng tin AFP cũng cho hay một hiện tượng đang diễn ra là cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người đến từ vùng dịch. Thái độ cảnh giác và hoạt động cách ly là cần thiết nhưng kỳ thị là điều không tốt, thậm chí nguy hiểm. “Việc kỳ thị vừa trái với nguyên tắc nhân văn, vừa dẫn tới những hậu quả xấu khó lường như người nhiễm (hoặc có nguy cơ nhiễm) virus Corona sẽ tránh thăm khám để giấu bệnh, khiến dịch bệnh càng thêm trầm trọng” - AFP nhận định.

Thế giới đang đối mặt với một thảm họa chung nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đối phó dịch bệnh quy mô lớn như vậy. Chúng ta đã vượt qua rất nhiều lần và sẽ thành công một lần nữa.

Bác sĩ TIMOTHY SITUMEANG, ĐH Y Indonesia 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới