Triệu tập hai tài xế xe hộ đê "dỏm"

Ngày 23-9, Đội Điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã triệu tập hai lái xe 53M-0766 và xe 86A-0270 vừa bị bắt ngày 22-9 để yêu cầu làm bản tường trình liên quan đến việc các xe này đã mang biển “xe hộ đê” dỏm để được quyền “ưu tiên 1”, miễn phí cầu đường và qua mặt CSGT.

Mua biển giả chỉ với… 100.000 đồng

Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định hai chiếc xe trên đã nhiều lần lưu thông qua Trạm thu phí Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) mang biển “xe hộ đê” dỏm. Trong đó, xe khách 16 chỗ 53M-0766 thời gian gần đây đã có đến 111 lần qua trạm thu phí này với quyền “ưu tiên” hơn cả xe quân đội và công an đi làm nhiệm vụ. Bước đầu, theo lời khai của lái và chủ xe, biển “xe hộ đê” dỏm được họ mua tại khu vực chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM với giá chỉ… 100.000 đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định trong vụ việc này đã có dấu hiệu về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Thuận, đơn vị có đến năm xe ô tô mang biển “xe hộ đê” dỏm cho biết công ty có năm phương tiện và hai lái xe. Việc các lái xe này tự tiện sử dụng biển “xe hộ đê” dỏm để lợi dụng quyền đãi ngộ đặc biệt và qua mặt CSGT ban giám đốc công ty hoàn toàn không biết. Theo công ty này, họ thực hiện chế độ khoán xăng dầu và chi phí cho các lái xe. Lợi dụng việc này, các lái xe đã “phù phép” để có biển “xe hộ đê” nhằm giảm chi phí trong các chuyến công tác. Ngay khi Pháp Luật TP.HCM phản ảnh bài đầu tiên trong loạt bài “Loạn “xe hộ đê””, công ty đã yêu cầu hai lái xe giải trình. Trước mắt, công ty tiếp tục chỉ đạo hai lái xe kiểm điểm và chờ kết quả điều tra từ cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định.

Triệu tập hai tài xế xe hộ đê "dỏm" ảnh 1

Xe biển xanh số 51A-1831 có biển “xe hộ đê” và gắn còi hụ của Trường ĐH Thủy lợi, Cơ sở 2 đang đậu ở nhà để xe của trường. Ảnh: LĐ

Biển hộ đê "dỏm" lềnh khênh!

Theo danh sách xe dùng biển hộ đê giả của Cục Quản lý đê điều, chúng tôi “truy” được Trường ĐH Thủy lợi, Cơ sở 2 (2 Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh) có chiếc xe biển xanh số 51A-1831. Đây là xe Toyota, loại Zace Surf, đời 2005 ngoài việc có biển “xe hộ đê” còn gắn thêm cả còi hụ (!?). Sáng 23-9, chúng tôi phát hiện chiếc xe này đang đậu trong nhà để xe của Trường ĐH Thủy lợi. Tiếp cận xe và xem kỹ biển “xe hộ đê”, chúng tôi thấy mã số cấp: 166, ngày cấp: 21-3-2011, có giá trị đến ngày 31-12-2011, người ký cấp: Cục trưởng Trần Quang Hoài. Có dấu hiệu cho thấy đây là biển “xe hộ đê” giả bởi chữ ký nháy của người xem xét hồ sơ, đề xuất và chữ ký của cục trưởng là màu đen, không phải màu xanh nước biển như quy định. Nơi này còn có chiếc xe Ford Transit, biển số 51D-0168 mà Cục Quản lý đê điều cho rằng cũng đang sử dụng biển “xe hộ đê” giả.

Chúng tôi còn phát hiện Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Trường ĐH Thủy lợi (cùng ở địa chỉ số 2 Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh) có chiếc xe biển số 52P-6690 mà theo danh sách của Cục Quản lý đê điều thì xe này cũng đang sử dụng biển “xe hộ đê” giả.

Cũng căn cứ vào danh sách do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão cung cấp, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (2A Nguyễn Biểu, quận 5) có xe Toyota Camry biển số 51A-0980; Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 2 (169 Trần Quốc Thảo, quận 3) có xe Mitsubishi Pajero biển số 52X-1162… cũng mang biển hộ đê giả. Chiếc Ford Everes đời 2010, biển trắng số 51A-02512 của Nguyễn Anh Tiến (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) hiện có giá khoảng 750 triệu đồng cũng “chơi” biển “xe hộ đê”. Còn chiếc xe Dawoo Matiz biển số 52F-6865 là của bà Hà Thị Thúy Nga (561/9, khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12). Càng truy lai lịch càng hoảng hốt vì “xe hộ đê” dỏm quá nhiều!

Có thể phạm tội làm giả con dấu

Việc cấp, quản lý, thu hồi biển "xe hộ đê" do cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện. Đây là loại giấy tờ đặc biệt nên việc cấp, quản lý, thu hồi phải được thực hiện đúng quy định. Mọi hành vi giả mạo, sử dụng biển giả mạo đều vi phạm pháp luật.

Điều 267 Bộ luật Hình sự đã quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, người nào có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Do vậy, những trường hợp mà báo phản ánh, nếu thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định, cơ quan điều tra có thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan.

ThS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự,
ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ ghi

PHƯƠNG NAM - LƯU ĐỨC

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm