Trong cuộc phỏng vấn với CNN, người đàn ông tự nhận là Kim Dong Chul, một công dân nhập tịch Mỹ hiện đã 62 tuổi. Kim cho biết ông đã từng sống ở TP Fairfax, bang Virginia, Mỹ. Chính quyền Triều Tiên đã cho phép CNN làm tin độc quyền này.
Kim đã được dẫn vào một căn phòng của một khách sạn nằm ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tháp tùng là một đoàn bảo vệ “lạnh lùng”, yêu cầu cuộc phỏng vấn chỉ được tiến hành ở Triều Tiên thông qua một thông dịch viên chính thức. Bản dịch sau đó được chứng thực bởi CNN.
Kim nói với CNN rằng hồi năm 2001, ông chuyển đến Yanji, một TP gần biên giới Trung Quốc-Triều Tiên.
CNN đưa tin vụ Triều Tiên bắt công dân Mỹ vì cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia. Ảnh chụp từ CNN
Từ Yanji, Kim cho biết đã đi đến Rason, một đặc khu kinh tế ở phía Bắc biên giới Triều Tiên, nơi ông từng là chủ tịch của một công ty chuyên về các hoạt động thương mại và khách sạn quốc tế.
Theo Kim, ông đã tham gia hoạt động gián điệp cho "các lực lượng bảo thủ Hàn Quốc" và bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái. "Tôi được giao nhiệm vụ chụp ảnh liên quan các bí mật về quân sự và những cảnh "tai tiếng"" - ông cho biết.
Theo Kim, các quan chức Triều Tiên nói rằng họ đã giám sát hoạt động của ông từ năm 2009, hai năm sau khi ông thành lập doanh nghiệp xuyên biên giới của mình.
Ông bắt đầu làm việc với vai trò là một gián điệp vào tháng 4-2013. Ông đưa hối lộ cho người dân địa phương để "thu thập các tài liệu quan trọng", sau đó gửi sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Khi được hỏi liệu ông đã làm việc cho Mỹ trong một khoảng thời gian nào hay chưa, Kim trả lời dứt khoát là "không".
Kim đã bị bắt hồi tháng 10-2015 trong lúc ông đi lấy USB và máy ảnh được sử dụng để thu thập bí mật quân sự.
Trong gần hai năm làm gián điệp ở Triều Tiên, Kim chỉ kiếm khoảng 5.300 USD. Khi được hỏi tại sao ông liều mình với một khoản tiền tương đối ít ỏi như vậy, Kim nói rằng với ông, tiền bạc không phải là vấn đề.
Kim đã để lại vợ và hai đứa con gái của mình ở Trung Quốc và không được liên lạc kể từ khi bị giam giữ.
Hình ảnh hộ chiếu của Kim Dong Chul được CNN cho đăng tải. Ảnh: CNN
Tuyên bố của Kim đã được đưa ra khi có mặt các quan chức Triều Tiên ở đó và CNN không thể xác định liệu ông có bị họ cưỡng ép trước đó hay không.
Nếu đúng như lời ông Kim nói, Kim sẽ là công dân Mỹ duy nhất bị giam tù ở Triều Tiên mà không được tiết lộ công khai bởi chính quyền Bình Nhưỡng cho đến nay.
Vài giờ sau cuộc phỏng vấn với đoàn phóng viên của CNN, chính quyền Triều Tiên đã cung cấp hộ chiếu của ông cho các phóng viên kiểm tra.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể xác nhận liệu Kim có phải là một công dân Hoa Kỳ hay không. Cơ quan này nói với CNN rằng "việc tuyên bố công khai về các trường hợp người Mỹ bị giam giữ có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực không ngừng của chúng tôi để bảo đảm quyền tự do của họ". Phía Hàn Quốc chưa lên tiếng về vụ việc lần này.