Trinh sát mật phục bắt 2 kẻ tạt sơn thuê cho nhóm 'Nợ xấu TP.HCM'

(PLO)- Nam thanh niên lên nhóm “Nợ xấu TP.HCM” kết bạn với một tài khoản rồi nhận đi tạt sơn nhà dân để đòi nợ với giá một triệu đồng/lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Trinh sát mật phục bắt 2 kẻ tạt sơn thuê cho nhóm 'Nợ xấu TP.HCM'

Ngày 22-7, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam với Phạm Lê Minh Thiện (22 tuổi; ngụ quận 1, TP.HCM) và Kiên Nguyễn Việt Ân (19 tuổi; quê Tiền Giang) để điều tra về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trinh sát hình sự mật phục 3 ngày đêm bắt tạt sơn

Trước đó, ông LVH (57 tuổi, chủ căn nhà trên đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) khốn khổ vì bị kẻ xấu tới đòi nợ, tạt sơn khủng bố.

Trình báo với Công an, p6ng H cho biết vợ của ông là bà NTT (54 tuổi) có vay mượn nhiều người ngoài xã hội.

Công an đọc lệnh bắt với Ân (bên trái, ngoài cùng) và Thiện. Ảnh: NT

Công an đọc lệnh bắt với Ân (bên trái, ngoài cùng) và Thiện. Ảnh: NT

Ông H đã trả nhiều lần, tuy nhiên, nhóm cho vay làm các thủ thuật đáo hạn, lãi mẹ đẻ lãi con, hiện lên tới 700 triệu đồng ông không tài nào trả hết nợ. Do mâu thuẫn nợ nần và mất khả năng chi trả, người vợ đã bỏ nhà đi, ở đâu không rõ.

Tuy nhiên, nhóm đòi nợ vẫn hàng ngày gây áp lực. Đỉnh điểm, khoảng 2 giờ sáng ngày 15-7, hai thanh niên lạ mặt đi xe máy đến, tạt sơn đỏ vào nhà ông H. Vụ việc khiến gia đình không thể kinh doanh, buôn bán và lo lắng.

Tiếp nhận thông tin, Đội CSHS Công an quận Bình Tân đã đến hiện trường, ghi nhận, lấy lời khai cũng như trích xuất hình ảnh từ các camera an ninh khu vực để truy xét.

Hình ảnh Thiện tạt sơn và Ân quay clip lại để báo cáo với "đối tác" nhằm lấy tiền công. Ảnh: CACC

Hình ảnh Thiện tạt sơn và Ân quay clip lại để báo cáo với "đối tác" nhằm lấy tiền công. Ảnh: CACC

Theo một cán bộ điều tra, nhiều trinh sát hình sự đã mật phục, theo dõi suốt ngày đêm ở khu vực nhằm bắt quả tang.

Đến 1 giờ 20 phút ngày 19-7, trinh sát phát hiện hai thanh niên chạy xe máy 59M2 - 287.21 đến trước nhà ông H trên đường Tỉnh lộ 10.

Một người đứng canh chừng, người còn lại dùng chai nhựa đựng sơn tạt liên tục vào trước cửa căn nhà rồi cả hai bỏ chạy.

Ân và Thiện tại cơ quan điều tra. Ảnh: NT

Ân và Thiện tại cơ quan điều tra. Ảnh: NT

Vừa chạy được vài mét thì trinh sát hình sự Công an quận Bình Tân ập đến, khống chế.

Lời khai nhóm tạt sơn giá 1 triệu/ lần

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai là nhận hợp đồng tạt sơn từ thuê cho nhóm “Nợ xấu TP.HCM” trên Zalo.

Theo đó, Thiện khai sử dụng số điện thoại 0934592973 đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo tên “Minh Thiện”, tham gia vào nhóm “Nợ xấu TP.HCM”.

Tang vật bị công an thu giữ. Ảnh: NT

Tang vật bị công an thu giữ. Ảnh: NT

Qua mạng xã hội Zalo, Thiện kết bạn với tài khoản tên “Nguyễn Văn Nam”, được tài khoản này thuê tạt sơn vào ngôi nhà trên với giá 1 triệu/lần. Thiện rủ Ân cùng tham gia. Cả hai đã hai lần tạt sơn vào ngôi nhà của ông H.

Cụ thể, hôm 14-7, Thiện mua một hộp sơn màu đỏ pha với khoảng 0,7 lít xăng rồi đựng vào chai nhựa loại 1,5 lít. Đến khoảng 2 giờ ngày 15-7, Ân chạy xe máy 59M2 - 287.21 chở Thiện đến tạt sơn vào cánh cửa.

Thiện và Ân đều thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Ảnh: NT

Thiện và Ân đều thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Ảnh: NT

Ân dùng điện thoại của Thiện chụp hình cánh cửa nhà đã bị tạt sơn để gửi cho tài khoản “Nguyễn Văn Nam” rồi bỏ chạy. Đến ngày 15-7, Thiện nhận được 1 triệu đồng do tài khoản Zalo “Nguyễn Văn Nam” chuyển trả. Số tiền này Thiện và Ân chia đôi.

Sau đó, rạng sáng ngày 17-7, cả hai cũng thực hiện thêm một lần tạt sơn tại địa chỉ trên rồi nhận 1 triệu đồng tiền công.

Thiện cho biết mình mới học hết lớp 10, Ân cũng vừa học hết cấp 2. Cả hai quen nhau từ trước. “Em có đi làm phục vụ, một tháng cũng được hơn 10 triệu. Nhưng do tham tiền nên em mới làm vậy” – Thiện nói.

Ân cũng cho biết, thực hiện việc tạt sơn không chỉ trên địa bàn quận Bình Tân mà các địa bàn quận khác. “Nếu có ai thuê mướn thì tụi em mới đi tạt. Tạt xong chụp hình gửi cho người ta thì mới được chuyển khoản tiền công. Mọi giao dịch đều thực hiện trên mạng chứ không gặp trực tiếp” – Ân khai.

Theo đó, cả hai thừa nhận đã nhiều lần tạt sơn các căn nhà trên địa bàn quận Bình Tân với mục đích dằn mặt, đòi nợ theo các hợp đồng trên mạng xã hội.

Trong khi đó, cả hai đều thừa nhận thiếu sự quản lý, giáo dục của cha mẹ. “Do có đi làm thêm nên em đi sớm về khuya, gia đình đều không biết và không quản lý” – Thiện tiếp.

Thiện và Ân có thừa nhận chơi cần sa. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai đều dương tính với ma túy.

Hiện Công an quận Bình Tân vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng truy xét đối với nhóm thuê mướn để xử lý.

Theo trung tá Trần Đức Lợi, Đội Phó Đội CSHS Công an quận Bình Tân, hành vi của Thiện và Ân là cố ý làm hư hỏng tài sản, bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm.

Theo ông Lợi, trong thời gian gần đây, nhiều người dân hay liên hệ với các công ty tài chính, app cho vay… nơi những đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng để vay mướn tiền bạc.

Trung tá Lợi cho biết, nhiều người dân tìm đến "tín dụng đen" để vay tiền, sử dụng không đúng mục đích, không trả nổi và bỏ trốn. Ảnh: NT

Trung tá Lợi cho biết, nhiều người dân tìm đến "tín dụng đen" để vay tiền, sử dụng không đúng mục đích, không trả nổi và bỏ trốn. Ảnh: NT

“Tôi khuyến cáo người dân không nên vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi, các app tài chính, công ty tài chính khi chưa biết rõ về lãi suất cũng như phương thức trả nợ. Đến khi chúng ta mất khả năng chi trả, tạo điều kiện cho các đối tượng cưỡng ép người dân phải trả nợ theo kiểu vi phạm pháp luật” – ông nói.

Đại diện Công an quận Bình Tân cũng cho rằng, nhiều người tìm đến các app vay tiền, cho vay tiền đứng, tiền góp… thì mục đích vay tiền không chính đáng, thậm chí không hợp pháp dẫn đến đồng tiền không được đầu tư đúng hướng, sinh lợi mà mất khả năng chi trả.

“Đội CSHS, Đội phong trào của Công an quận thực hiện tuyên truyền đến từng người dân không sa vào bẫy tín dụng đen. Khi có những cuộc gọi đe dọa, tạt sơn thì trình báo đến công an, chính quyền địa phương để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, người vay phải là người trình báo. Đa phần người đi vay đều bỏ trốn vì nhu cầu vay không thực tế” – ông Lợi tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm