Ngày 7-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và 13 bị cáo có kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC).
Cha con Trịnh Xuân Thanh đồng loạt rút kháng cáo
Tại phiên xử phúc thẩm, cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng mời ba luật sư bào chữa gồm các luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (vừa bị tuyên y án tử hình trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) không kháng cáo. Ông tham gia phiên tòa với tư cách là người làm chứng.
Trong phần thủ tục, thư ký phiên tòa công bố cựu chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh đã rút toàn bộ kháng cáo trước phiên xử phúc thẩm.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn sau đó cho hay ngày 2-5, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin rút toàn bộ kháng cáo đối với cả hai bản án sơ thẩm mà ông bị đưa ra xét xử hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2018, đồng thời xin vắng mặt tại phiên tòa vì lý do sức khỏe. HĐXX sau đó đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với ông Thanh và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
Trước đó, trong vụ án này, ông Thanh kháng cáo kêu oan đối với cả hai tội danh cố ý làm trái…, tham ô tài sản và đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ trách nhiệm dân sự của ông.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, tại phiên tòa, ông Trịnh Hùng Cường (con trai ông Thanh) cho biết sẽ nộp đơn rút kháng cáo ngay trong ngày 7-5. Trước đó, ông Cường kháng cáo đề nghị cơ quan chức năng trả lại biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, TP Nha Trang (Khánh Hòa); ô tô Mazda CX5…
Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên tổng giám đốc PVC, trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo ở PVC đồng loạt xin giảm án
Người đầu tiên được xét hỏi là cựu TGĐ PVC Vũ Đức Thuận (bị cấp sơ thẩm phạt tổng cộng 22 năm tù cho hai tội cố ý làm trái… và tham ô tài sản).
Ông Thuận xin giảm nhẹ hình phạt đối với cả hai tội và giảm trách nhiệm dân sự. “Bị cáo thấy tòa sơ thẩm tuyên như vậy rất nặng, rất nghiêm khắc cả về hình sự và trách nhiệm dân sự” - ông Thuận nói.
Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận đã ký Hợp đồng EPC số 33 với Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), làm tổng thầu xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thuận cũng thừa nhận PVC đã sử dụng sai mục đích số tiền 119 tỉ đồng, được coi là hậu quả của vụ án này.
Ông Thuận cũng khai biết Hợp đồng số 33 không đủ căn cứ pháp lý, hợp đồng không có Điều 1414 (giá trị hợp đồng và thanh toán), không có phụ lục 2 (điều kiện và quy trình thanh toán), không có thiết kế kỹ thuật, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất... Cựu TGĐ PVC khai lý do ký kết hợp đồng là để tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 người lao động tại PVC trong mấy năm; để nhận tạm ứng để trả nợ ngân hàng và góp vốn vào các công ty thành viên.
“Thời điểm đó, lãi suất ngân hàng rất cao, tới 19%-20%. Trong khi các khoản nợ của PVC đã quá hạn...” - ông Thuận giãi bày tại tòa.
Khoảng 30 phút cuối của phiên xử buổi sáng, tín hiệu âm thanh truyền tới phòng tác nghiệp của báo chí gặp trục trặc, các PV không thể theo dõi được diễn biến phiên xử. Đầu giờ làm việc buổi chiều, ông Thuận xin được giảm nhẹ trách nhiệm dân sự trong tội cố ý làm trái… với lý do bản thân “không được hưởng lợi gì”.
Khi đại diện VKS hỏi: “Mức án đối với bị cáo bao nhiêu là phù hợp?”, ông Thuận đáp: “Xin xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt” và nói thêm: “Pháp luật Việt Nam đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Đối với tội tham ô tài sản, ông Thuận cũng mong HĐXX xem xét để ông sớm được trở về với gia đình và xã hội, trở thành người có ích. “Giờ bị cáo đã 50 tuổi, chấp hành xong bản án 22 năm tù, khi về bị cáo cũng hơn 70 tuổi rồi” - ông Thuận phân trần.
Chiều 7-5, HĐXX xét hỏi cựu phó chủ tịch PVC Nguyễn Ngọc Quý, cựu phó TGĐ PVC Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN Lê Đình Mậu, cựu kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 Trần Văn Nguyên, cựu phó TGĐ PVC Trương Quốc Dũng và cựu trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 Vũ Hồng Chương.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyên dù được hưởng án treo nhưng vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do “làm đúng theo trách nhiệm, được phân cấp, phân quyền của ban quản lý dự án, làm đúng theo quy định của Luật Kế toán”.
Bị cáo Chương xin được giảm hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự. Ông Chương khai đã có văn bản cảnh báo Hợp đồng 33 “có vấn đề” và đề nghị hủy hợp đồng đi làm lại. Ông cũng nhận thấy chưa đủ điều kiện tạm ứng nhưng vẫn bị “ép” thực hiện việc chuyển tiền cho PVC bằng văn bản...
16 giờ 10, tòa mất điện, phải tạm nghỉ 15 phút. Sau đó, ông Chương vừa trả lời HĐXX vừa lấy tay phải ôm ngực. Phần xét hỏi đối với ông Chương nhanh chóng kết thúc khi bị cáo này than: “Bị cáo mệt quá”.
Trước đó, luật sư của ông Chương cho hay thân chủ của ông sức khỏe kém nên xin chỉ có mặt tại tòa khi xét xử nội dung liên quan đến ông Chương.
Ông Thanh từng lãnh hai án tù chung thân • Trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC, TAND TP Hà Nội đã phạt Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội cố ý làm trái…, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong nhóm tội cố ý làm trái… buộc phải bồi thường cho PVN hơn 119 tỉ đồng, trong đó hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh mỗi người bồi thường 30 tỉ đồng. Các bị cáo phạm tội tham ô tài sản phải liên đới bồi thường cho PVC hơn 11 tỉ đồng, trong đó ông Thanh bồi thường gần 4,4 tỉ đồng. HĐXX xác nhận ông Thanh đã nộp 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX vẫn tuyên tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo để bảo đảm THA. • Trong vụ án xảy ra tại Công ty Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), bản án sơ thẩm kết luận Trịnh Xuân Thanh tham ô 14 tỉ đồng. Ông Thanh phải nhận thêm một án tù chung thân và bị phạt bổ sung 50 triệu đồng. |