Theo ông Bình, đừng ngồi chờ chính sách hay hỗ trợ mà bản thân DN phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Từ lâu DN đã xác định làm gạo cao cấp, chú trọng chất lượng luôn chiếm hơn 70% tổng lượng gạo sản xuất của DN, còn lại là gạo đặc sản cung cấp nội địa, gạo cấp thấp chiếm rất ít. Để thị trường khó tính chấp nhận, quanh đi quẩn lại là DN phải tự xây dựng vùng nguyên liệu cho mình, các chuyên gia nước nhập khẩu sẽ sang hướng dẫn theo dõi cách canh tác, kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, chế biến của DN. “Như Nhật Bản, họ chỉ cần truy xuất được nguồn gốc thì họ chấp nhận nhập. Vì vậy có vùng nguyên liệu DN sẽ giải quyết được các bài toán thị trường, sẽ trồng được giống lúa đồng nhất, chất lượng đồng đều, quản lý canh tác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. DN vẫn phải chủ động làm vùng nguyên liệu, liên kết nông dân sản xuất theo yêu cầu DN. Thương hiệu phải do DN tạo ra thông qua chất lượng, uy tín với nhà nhập khẩu. Nếu DN làm tốt thì chính thị trường sẽ “tự hào” ghi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, thậm chí để tên thương hiệu của DN” - ông Bình nói.
Nhiều DN xuất khẩu gạo khác cũng cho rằng Nhà nước, bộ, ngành cũng phải am hiểu thị trường, khả năng của DN chứ không nên áp đặt xuất khẩu gạo có điều kiện. Những điều kiện về nhà máy, vùng nguyên liệu cần phải xem lại. Nghị định 109 quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện năm năm qua nhưng không mang lại hiệu quả gì cho xuất khẩu gạo lại làm khó nhiều DN.
Theo phân tích của nhiều DN, quy định này phần lớn chỉ DN Nhà nước đáp ứng. Còn đa phần DN phải tốn nhiều vốn đầu tư mới đáp ứng tiêu chí về kho chứa 5.000 tấn, nhà máy xay xát 10 tấn/giờ, rồi vùng nguyên liệu. Nếu bắt DN phải làm hết thì mất sức, không hiệu quả. Như Thái Lan có hiệp hội các nhà trồng lúa, nông dân tập hợp các hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật, thương thảo hợp đồng bán lúa với DN nên không bị ép giá. Nếu giá thấp, Thái Lan có những kho chứa gạo, mua trợ giá cho nông dân. Thái Lan cũng có hẳn hiệp hội các nhà xay xát tập hợp các nhà máy, họ đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Còn hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo riêng. Các nước xuất khẩu gạo không hề đưa ra những điều kiện, mỗi DN có một thế mạnh riêng, quan trọng họ tổ chức làm tốt các khâu. Nên “cởi trói” cho các DN xuất khẩu gạo, đặc biệt là cởi trói những thị trường tập trung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá không thể chỉ trông chờ vào người nông dân với cách sản xuất nhỏ lẻ mà phải huy động được sự tham gia của các hiệp hội, DN, các nhà khoa học để xây dựng những chuỗi sản xuất lớn. Đặc biệt, phải có định hướng và hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng chuỗi giá trị này.