Trong chuyến thăm Iran ngày 27-3 nằm trong khuôn khổ đợt công du liên tục sáu nước Trung Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị đã cùng người đồng cấp Iran Javad Zarif ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện TQ - Iran 25 năm, với các nội dung hợp tác trên phương diện chính trị và kinh tế. TQ thời gian gần đây cũng tiến hành siết chặt quan hệ đối tác chiến lược với Nga trong bối cảnh hai nước đang gặp nhiều vấn đề với phương Tây: Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm quyền con người ở khu tự trị Tân Cương, còn Moscow bị cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tham dự phiên họp Tổ chức Hợp tác kinh tế Thượng Hải (SCO) ở Kyrgyzstan hồi tháng 6-2019. Ảnh: AP
Theo tờ The Washington Examiner, việc TQ tăng cường quan hệ với Nga và Iran trên lý thuyết có thể là bước khởi đầu cho kịch bản thành lập một mặt trận thống nhất phản kháng lại áp lực từ phương Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này về lâu dài lại không có lợi cho TQ về mặt chiến lược khi nội tại của các mối quan hệ này đang tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Rủi ro của Trung Quốc khi thân với Iran
Theo nội dung của thỏa thuận nói trên, TQ sẽ đầu tư vào Iran 400 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cấp năng lực quốc phòng. Đổi lại, Tehran sẽ đảm bảo nguồn cung dầu mỏ ổn định cho Bắc Kinh với mức giá ưu đãi. Dù lãnh đạo hai nước đều đồng ý thỏa thuận mới sẽ giúp củng cố hòa bình của Iran và đem lại lợi ích kinh tế cho đôi bên thì The Washington Examiner lại cho rằng về mặt tài chính, thỏa thuận đem lại lợi ích cho Iran nhiều hơn.
Cụ thể, mối quan tâm của TQ hiện tại không phải là đầu tư mà là tìm kiếm ảnh hưởng chính trị. Bắc Kinh hiểu hiện tại nước này có một đòn bẩy mới để làm suy yếu hoặc ủng hộ có điều kiện các lợi ích của Washington ở Trung Đông. Mỹ muốn gây sức ép để Iran quay lại Thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA) và TQ đang muốn chứng minh là nước này có tiếng nói để thuyết phục Iran làm điều này. Cái mà Bắc Kinh hy vọng nhận lại từ Washington là được dỡ bỏ một số hạn chế về thương mại với các công ty công nghệ TQ tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, dù tính toán kỹ lưỡng đến đâu, TQ cũng khó có thể làm “vẹn cả đôi đường” khi nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về đối ngoại không hề đơn giản. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đều cảnh giác cao độ trước thỏa thuận mới giữa TQ và Iran. Những nước này từ lâu luôn xem Iran là một mối đe dọa chính trị - an ninh nghiêm trọng nên sẽ không dễ chấp nhận những lời giải thích xoa dịu của Bắc Kinh rằng thỏa thuận trên không ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh của họ. Ngoài ra, đối mặt với sức ép đồng thời từ phía Mỹ khi Washington lo ngại về mối quan hệ ngày càng phát triển với TQ, UAE và Saudi Arabia sẽ có những lý do riêng để giảm dần sự hợp tác với Bắc Kinh. Kịch bản này cũng có thể xảy ra với Israel, quốc gia vốn coi Iran là đối thủ cạnh tranh hàng đầu và ngày càng nhận ra bản chất đằng sau những đề nghị hợp tác kinh tế của TQ.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), khối này nhiều khả năng cũng sẽ lo ngại rằng các khoản đầu tư của TQ sẽ khiến Iran có thêm điều kiện kinh tế để tăng cường các hoạt động làm mất ổn định ở Iraq và Lebanon. Nói cách khác, thỏa thuận của TQ với Iran đang làm suy yếu sự tín nhiệm của Bắc Kinh trong mắt các đối tác quan trọng khác với nước này, đồng thời củng cố thêm những cảnh báo của Mỹ về sự trỗi dậy đáng lo ngại của TQ.
Trung Quốc - Nga và bài toán châu Âu
Tương tự những gì đang xảy ra với quan hệ Trung - Iran, quan hệ Trung - Nga ngày càng trở nên tốt đẹp cũng gây mất uy tín của TQ trước các đối tác quan trọng, ở đây là EU. Dù TQ nhiều lần khẳng định mong muốn hợp tác công bằng, cùng có lợi với khối này, lãnh đạo EU có thể sẽ nhận ra rất khó tin tưởng Bắc Kinh khi nước này cam kết như vậy nhưng lại đi siết chặt hợp tác với Moscow - vốn bị EU xem là mối đe dọa an ninh thường trực không thể xem nhẹ.
Điều này, bên cạnh vấn đề Tân Cương, chắc chắn dẫn quan hệ hai bên tới một tương lai căng thẳng và khó khăn, không có lợi cho việc đàm phán hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Mặt khác, viễn cảnh này cũng đang bắt đầu thành hiện thực khi một số thành viên Nghị viện châu Âu mới đây đã cảnh báo sẽ cân nhắc không phê duyệt thỏa thuận đầu tư EU - TQ vì Bắc Kinh ra đòn trừng phạt nhiều thành viên Nghị viện châu Âu (EC), mặc cho việc hai bên đã có hơn 30 vòng đàm phán liên tục từ năm 2013 đến nay.
“Việc gỡ bỏ trừng phạt đối với các nghị sĩ là điều kiện trước tiên để chúng tôi bắt đầu các cuộc đối thoại cùng chính phủ TQ về thỏa thuận đầu tư này” - bà Kathleen van Brempt, nghị sĩ thuộc Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), nhấn mạnh hồi cuối tháng 3. S&D là nhóm chính trị lớn thứ hai tại EC với 145 nghị sĩ.
Với TQ, thỏa thuận đầu tư TQ - EU là thỏa thuận quan trọng nhất kể từ khi nước này ký nghị định thư về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, trên phương diện địa kinh tế, địa chính trị cũng như nhìn từ triển vọng kinh tế rộng hơn. Do vậy, lãnh đạo Bắc Kinh phải cân nhắc trước khi có ý định làm căng hơn tình hình với EU và Mỹ. TS SOURABH GUPTA, Viện Nghiên cứu quan hệ Mỹ - TQ (ICAS) |
Cổng thông tin chính thức của EU vừa ra thông báo sẽ cùng Iran và Mỹ họp trực tuyến vào ngày 3-4 để thảo luận khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran. Thông báo nêu rõ cuộc họp trực tuyến này sẽ do nhà ngoại giao cấp cao của EU Enrique Mora chủ trì, thay mặt cho Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell. Đại diện riêng của Pháp, Nga, Anh, TQ cùng với Đức cũng sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến này. “Các bên tham gia sẽ thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận, cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo rằng các bên sẽ thực hiện thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả” - thông báo cho hay. Theo hãng tin Reuters, động thái trên của EU được Mỹ đánh giá tích cực. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: “Chúng tôi thực sự hoan nghênh bước đi tích cực này. Chúng tôi sẵn sàng theo đuổi việc trở lại tuân thủ các cam kết thỏa thuận nếu Iran cũng thực hiện điều tương tự”. Ông Price cũng cho biết Mỹ đang thảo luận cùng các đối tác “về cách thức tốt nhất để quay lại thỏa thuận”. |