Các chuyên gia Liên Hợp Quốc hôm 25-08 nói rằng, Tập đoàn công nghiệp Bắc Trung Quốc, viết tắt là Norinco, đã bán cho chính quyền Nam Sudan 100 súng phóng tên lửa chống tăng, 1.200 tên lửa, khoảng 2.400 lựu đạn, gần 10.000 khẩu súng trường tự động và 24 triệu viên đạn các loại khác nhau.
Báo cáo cũng cho biết quân đội Nam Sudan bằng cách nào đó đã thu được 4 máy bay trực thăng vũ trang tấn công kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Trước đó, họ không có.
Nội chiến Nam Sudan đã bắt đầu hồi tháng 12-2013 khi chia rẽ leo thang trong lực lượng an ninh trở thành một cuộc nổi dậy bạo lực do Riek Machar dẫn đầu.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir thăm Trung Quốc (ảnh: International Business Times)
Theo tạp chí The Diplomat, xung đột đẫm máu tại Nam Sudan xuất phát từ cuộc đối đầu giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu phó tổng thống Riek Machar. Bạo lực cũng dính líu đến vấn đề sắc tộc. Kirr, thành viên tộc người Dinka đã đọ sức với Machar, thuộc tộc Nuer và tính chất bạo lực dân tộc đã đánh động cộng đồng quốc tế.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét một nghị quyết do Mỹ soạn thảo mà sẽ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan nếu chính phủ nước này không chịu ký thỏa thuận hòa bình.
LHQ nói rằng cả hai bên trong cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và phiến quân đã nhắm mục tiêu vào thường dân. Quân chính phủ đã thực hiện cái gọi là "chính sách tiêu thổ" san bằng, xóa sổ các ngôi làng, nhiều cô gái trẻ bị hãm hiếp và bị thiêu sống trong nhà của họ và tiến hành bắt cóc trẻ em.
Hàng ngàn người đã bị giết chết. Hơn 1,6 triệu người đã được di dời. Và nợ công của Nam Sudan đã tăng từ mức 0 tại thời điểm tuyên bố độc lập (2011) lên đến 4,2 tỉ USD vào tháng 6 năm nay, báo cáo cho biết.
Các chuyên gia LHQ cho biết họ đã bắt đầu điều tra "các kênh tài chính được sử dụng bởi chính phủ và phe đối lập để tố cáo chiến tranh và những cá nhân cũng như tổ chức đạt được lợi nhuận từ việc tiếp tục cuộc xung đột".