Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới, hàng lậu đổi hướng vận chuyển

(PLO)-  Tổng cục Quản lý thị trường cho biết phía Trung Quốc kiểm soát chặt khu vực biên giới nên hàng lậu đổi hướng vận chuyển từ biên giới các tỉnh phía Bắc xuống các cửa khẩu miền Trung, Tây Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-1, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Hàng lậu, hàng giả chuyển hướng

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy trong các tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về thiết bị y tế, thuốc chữa trị Covid tăng cao dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng này diễn biến phức tạp.

Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện các loại thuốc và các mặt hàng thiết bị y tế như que test, khẩu trang, máy đo SPO2... hầu hết không có hóa đơn chứng từ, không có đăng ký lưu hành... được bán tràn lan trên môi trường mạng với nhiều mức giá khác nhau và không kiểm soát được chất lượng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QLTT

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QLTT

Cũng theo báo cáo, trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi và lắt léo hơn. Lý do là hiện nay, phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tuyên Quang... tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Năm 2022, lực lượng QLTT cũng tổ chức giám sát đối với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động.

Tính chung cả năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021).

Siết chặt kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, đánh giá dù có nhiều dấu ấn trong năm 2022 nhưng công tác phối hợp giữa các Cục QLTT chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục QLTT. Ảnh: QLTT

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục QLTT. Ảnh: QLTT

Một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.

Đáng buồn hơn, trong quá trình thực thi công vụ, vẫn còn tình trạng công chức vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm... Những hạn chế yếu kém này đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng.

Theo ông Linh, nguyên nhân do trách nhiệm của cán bộ người đứng đầu chưa thông suốt, công tác quản lý địa bàn do lực lượng mỏng và số lượng cơ sở kinh doanh rất lớn nên còn sai sót xảy ra. Đặc biệt, pháp luật vẫn còn chồng chéo, gây khó cho cán bộ trong quá trình thực thi, chưa kể lực lượng mỏng, biên chế ít…

Vì vậy, bước sang năm 2023, Tổng cục trưởng đề nghị toàn lực lượng siết chặt kỷ luật kỷ cương, tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với công tác cán bộ, Tổng Cục trưởng cho biết, sẽ tiếp tục giới thiệu bổ nhiệm luân chuyển cán bộ không phải người của địa phương, nhất là những địa bàn nóng, phức tạp.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức QLTT thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý lực lượng QLTT tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn. Qua đó nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm