Những ngày gần đây Trung Quốc (TQ) liên tục có các động thái lôi kéo đối tác để đối phó Mỹ, trong bối cảnh quan hệ hai cường quốc này đang xấu nguy hiểm.
Theo Tân Hoa xã, ngày 17-7, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov điện đàm cùng phản đối “chính sách đơn phương của Mỹ”. Ông Vương đã nói với người đồng cấp Lavrov rằng TQ cảm nhận Mỹ đang từng bước khôi phục “trạng thái chiến tranh lạnh” trong chính sách với TQ. Ông Lavrov khẳng định Nga phản đối các động thái đơn phương hóa trong các vấn đề quốc tế.
TQ tranh thủ Nga, lôi kéo Iran
Trước đó, ngày 8-7, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập nói với ông Putin rằng TQ muốn tiếp tục có sự hỗ trợ qua lại với Nga, phản đối mạnh sự can thiệp và phá hoại từ bên ngoài, duy trì các quyền lợi chủ quyền, an ninh và phát triển. Ông Tập muốn Nga và TQ tăng cường giao thiệp và hợp tác chiến lược, cứng rắn chống lại sự bá chủ và chính sách đơn phương.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái). Ảnh: AFP
Hồi tháng 5 ông Tập cũng từng điện đàm với ông Putin, và từ cuộc điện đàm này nhiều nhà quan sát nói rằng họ đã nhận thấy có sự chuyển mình trong quan hệ Trung-Nga.
Mỹ cũng là chủ đề chính trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 16-7, theo báo Tehran Times. Ông Putin và ông Rouhani nhấn mạnh cần thiết phải hợp lực đối phó chính sách đơn phương của Mỹ, đối phó việc Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay đón tiếp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 31-12-2019. Ảnh: POOL/AFP VIA GETTY IMAGES
Ông Rouhani hoan nghênh việc Nga ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như chống lại chính sách đa phương của Mỹ, đồng thời kêu gọi Nga phát triển hơn quan hệ nhiều mặt với Iran.
Trong khi đó, ngày 5-7 Iran thông báo nước nước này chuẩn bị ký với TQ một hiệp định chiến lược 25 năm. Lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei – từng công khai lên tiếng ủng hộ mối quan hệ đối tác song phương chiến lược với TQ.
TQ và Iran cũng đang trong những bước cuối cùng để ký một thỏa thuận an ninh và kinh tế trị giá 400 tỉ USD. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, thỏa thuận cũng đề cập sự hợp tác chặt giữa hai bên về quốc phòng và chia sẻ tình báo. Nếu thỏa thuận được ký, TQ sẽ có được ảnh hưởng rất lớn về địa chính trị ở Trung Đông – một điểm nóng thế giới. Theo tạp chí Forbes, thỏa thuận này là một cơ chế để đối đầu sức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Ngày 21-7, Đại sứ Iran tại Moscow – ông Kazem Jalali kêu gọi Nga và TQ cùng tham gia “câu lạc bộ trừng phạt” chống lại Mỹ. Vừa kêu gọi Nga, TQ liên kết với mình để buộc Mỹ “trả giá đắt”, Iran vừa đề nghị hai nước này tăng cường hỗ trợ mình vốn đang rất khó khăn vì chiến dịch “tối đa hóa áp lực” của Mỹ.
Mỹ “đắc tội” gì với TQ, Nga, Iran?
Diễn biến này đến trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và TQ đang ở mức nguy hiểm nhất trong hàng chục năm qua. Mỹ và TQ đang bất đồng về hàng loạt vấn đề: nguồn gốc và cách xử lý COVID-19, luật an ninh Hong Kong, Biển Đông, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thương chiến, và nhiều khúc mắc ngoại giao khác.
Những ngày qua Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục có những phát ngôn cứng rắn với TQ. Mới nhất, ngày 21-7 ông Pompeo còn kêu gọi lập một liên minh toàn cầu để thách thức TQ.
Quan hệ giữa Mỹ với Nga những năm qua vốn đã không bằng phẳng với việc Washington cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử. Thời gian gần đây Mỹ còn khiến Nga bất mãn hơn khi đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Hiện còn lần nữa chưa chịu ký gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hàng loạt (New Start) – hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai nước. Nga cũng không hài lòng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Chưa kể hai bên còn cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông, đặc biệt ở Syria.
Iran là nước đối đầu chính của Mỹ tại Trung Đông. Căng thẳng hai bên tăng cao từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục trừng phạt nước này. Thế đối đầu đặc biệt trở nên nguy hiểm sau khi Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran hồi tháng 1.
Tướng Qassem Soleimani của Iran bị Mỹ ám sát hồi tháng 1. Ảnh: CGTN
Khúc mắc dễ thấy nhất hiện tại là Mỹ đang vận động để HĐBA cấm vận vũ khí vô thời hạn với Iran. Theo lệnh cấm vận, Iran không được nhập khẩu hay xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí nào. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lo ngại một khi được bỏ cấm vận vũ khí Iran sẽ trở thành một “lái buôn vũ khí”, cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang Hamas, Hebollah và làm phức tạp hơn các cuộc xung đột ở Venezuela, Syria, Afghanistan. Theo ông Pompeo, bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ đe dọa đến không chỉ Trung Đông mà cả an ninh các nước châu Âu.
Tuy nhiên đầu tháng này, Mỹ và hai thành viên thường trực HĐBA khác là Anh và Pháp đã không thể vận động được HĐBA kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Iran, khi TQ và Nga phủ quyết bản kiến nghị của Mỹ.
Cảnh giác trò chơi dài hạn của TQ
Khủng hoảng kinh tế, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, hạ tầng hạt nhân và hạ tầng hàng hải bị tấn công mạng đã đẩy Iran vào tay TQ. Ngoài ra, với Iran, TQ còn là một thị trường vô hạn cho dầu mỏ, một chỗ dựa và công nghệ quân sự lẫn dân sự, một nhà đầu tư lớn, có là một nước che chắn cho mình về chính trị trên trường thế giới, trong đó có quyền phủ quyết ở HĐBA. Tất cả đều là những cái Iran đang rất mong muốn.
Thỏa thuận 400 tỉ USD với Iran là biểu hiện mới nhất cho nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của TQ ra thế giới thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường. Nhiều nhà phân tích chính sách phương Tây vẫn hay chỉ trích chính sách “nợ ngoại giao” của TQ – chính sách cho các nước yếu về kinh tế mượn nợ bằng các gói đầu tư hạ tầng.
Ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Đường vành đai và Hợp tác quốc tế ở Bắc Kinh ngày 15-5-2017. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều trường hợp vì không thể trả tiền đúng hạn cho TQ, có nước đã phải chịu nhượng TQ khai thác cơ sở hạ tầng. Một ví dụ rõ nhất là việc Sri Lanka buộc phải cho TQ thuê cảng Hambantota trong 99 năm vì không thể trả lại tiền vay cho TQ.
Tương tự, Pakistan nợ TQ ít nhất 10 tỉ USD tiền vay xây dựng cảng Gwadar, và rồi phải đồng ý cho TQ thuê lại cảng này đến năm 2059, vì không có tiền trả lại. Trường hợp khác, đảo quốc Maidives nợ Trung Quốc 1,5 tỉ USD, tương đương 30% GDP nước này.
Thỏa thuận với Iran sẽ làm tăng đầu tư của TQ vào các lĩnh vực ngân hàng; viễn thông; hạ tầng giao thông như sân bay, đường sắt; và các khu vực thương mại tự do. TQ cũng đang nhắm đến mục tiêu giữ vai trò chính trong lĩnh vực không gian mạng của Iran.
Thỏa thuận mới có thể mang lại thêm sức sống cho nền kinh tế Iran vốn đang gặp khó vì các lệnh trừng phạt, tuy nhiên theo Forbes, Iran sẽ khó tránh được sự kiểm soát của TQ.
Tại Iran đã có nhiều tiếng nói phản đối việc Iran bắt tay TQ về kinh tế, trong số đó có cựu Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad.
Theo tạp chí Forbes, khả năng Mỹ sẽ tìm cách ngăn cản quan hệ đối tác giữa TQ và Iran, vốn được cho đe dọa đến các quyền lợi an ninh và năng lượng của Mỹ ở Trung Đông. Trước mắt, Forbes dẫn nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục có hành động chống lại các công ty TQ vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.
TQ cắn miếng quá lớn so với sức nhai Thế kỷ 20, đối thủ chính trị chính của Mỹ là Liên bang Xô Viết. Thế kỷ 21, không nghi ngờ đối thủ của Mỹ là TQ – nước có nền kinh tế lớn hơn nhiều Liên bang Xô Viết ngày trước. Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) – một biểu tượng tham vọng toàn cầu của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình – được biết là một công cụ chính sách mạnh, thách thức ảnh hưởng của chính sách đối ngoại Mỹ. Tuy nhiên theo Forbes, TQ đã cắn miếng quá lớn so với sức nhai. Dù TQ vẫn nói mạnh về Sáng kiến BRI nhưng đã có chứng cứ cho thấy TQ đã đặt mục tiêu quá khả năng của mình. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cản trở xu thế toàn cầu hóa, kinh tế các nước Trung Á – đóng vai trò trung tâm của Sáng kiến BRI cũng suy giảm mạnh. Tuyến đường bộ thuộc Sáng kiến BRI bị chỉ trích là lãng phí. |