Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, tính đến đầu tháng 5-2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù là trên 500 người.
Bộ Công an chuyển giao hai phạm nhân quốc tịch Bungari về nước để tiếp tục chấp hành án phạt tù. Ảnh: Bộ Công an
Về tội danh, đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Về quốc tịch, số phạm nhân mang quốc tịch Lào và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao) là nhiều nhất, tiếp đến là phạm nhân quốc tịch Nigieria, Campuchia, Úc.
Ngược lại, có hơn 4.000 người Việt Nam đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc các hình phạt tước tự do khác ở nước ngoài. Phần lớn số này tập trung tại Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Macau), Cộng hòa Czech, Campuchia, Đức.
Tính đến tháng 5-2019, Bộ Công an đã nhận được trên 16 đề nghị của phía nước ngoài về việc chuyển giao công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt, trong đó có đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế, đối tượng truy nã.
Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận bốn phạm nhân đầu tiên từ Vương quốc Anh về Việt Nam để tiếp tục cho chấp hành án, gồm: Khoa Kim Học, Vũ Lâm Giang, Vũ Văn Phòng và Nguyễn Việt Cường.
Các phạm nhân này đều bị tòa án có thẩm quyền của Vương quốc Anh tuyên hình phạt tù chung thân về tội giết người. Quá trình chuyển giao không áp dụng các biện pháp chuyển đổi hình phạt; đến nay chưa phạm nhân nào được áp dụng các hình thức giảm án, tha tù trước thời hạn.
Bộ Công an kiến nghị cần sớm ban hành một đạo luật riêng biệt về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trên cơ sở tách từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 để phân biệt rõ giữa các hoạt động mang bản chất nhân đạo với các hoạt động mang tính cưỡng chế cao như dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự.
Các nội dung quy định trong dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, toàn diện hơn trong việc thực hiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam, góp phần bảo đảm chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập xã hội thành công.
Cùng với đó, bộ này cho rằng cần tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng, tình hình người Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài và nhu cầu được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án.
Đồng thời, khảo sát khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận của các trại giam tại Việt Nam trong trường hợp tất cả các công dân Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài mong muốn được trở về Việt Nam để chấp hành án.