Trung Quốc xây đảo vì mục đích quân sự

Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh Mỹ và gây hậu quả về kinh tế vì gây rối loạn các quy luật và chuẩn mực quốc tế mà cộng đồng quốc tế đã tuân thủ từ nhiều thập niên qua.

Đe dọa các chuẩn mực lâu đời

Đô đốc Harry B. Harris Jr., tân tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (mới nhậm chức hồi tháng 5), đã đưa ra nhận định như trên tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado hôm 23-7 (giờ địa phương).

Đây là cuộc hội thảo hằng năm về an ninh quốc gia quy tụ hàng chục nhà lãnh đạo về an ninh quốc gia Mỹ do Viện nghiên cứu Aspen tổ chức. Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bài phát biểu của Đô đốc Harry B. Harris Jr. gồm các ý chính:

Gây rối kinh tế toàn cầu: Đô đốc Harry B. Harris Jr. cảnh báo về âm mưu đơn phương của Trung Quốc nhằm gây rối loạn tự do hàng hải và kinh tế thế giới. Ông nhận xét: “Hầu hết các nước trong khu vực đều muốn duy trì nguyên trạng trong khi Trung Quốc lại muốn thay đổi vì lợi ích riêng hẹp hòi”.

Máy bay tiêm kích tàng hình F-35C của Mỹ. Ảnh: defencetalk.net

Ông phân tích mỗi năm có hơn 5.300 tỉ giá trị thương mại hàng hải thế giới tự do qua lại trên các tuyến đường biển ở biển Đông. Chỉ riêng eo biển Malacca đã chiếm hơn 25% dầu thô và 50% khí đốt quá cảnh mỗi ngày. Hoạt động này chỉ có thể có được khi các nước trong khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ tự do hàng hải.

Hủy hoại môi trường biển: Thay vì áp dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp, Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật, củng cố các đảo nhân tạo bằng cách hung hăng cưỡng bức. Trung Quốc đang xây dựng chủ quyền giả tạo khi bồi đắp các đảo nhân tạo trên các rạn san hô, các đá và bãi cạn.

Đô đốc Harry B. Harris Jr. lưu ý tác hại nghiêm trọng đến môi trường là một trong những đặc điểm trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ông dẫn nguồn từ kết quả nghiên cứu của nhà sinh học biển John McManus tại ĐH Miami với nhận định: Hành động của Trung Quốc đã gây thiệt hại thường xuyên nhanh nhất đối với rạn san hô trong lịch sử nhân loại.

Đe dọa các nguyên tắc chung: Đô đốc Harry B. Harris Jr. cho rằng hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông còn gây thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa là đe dọa các nguyên tắc chung về bảo đảm an ninh và thịnh vượng trong khu vực đã thực thi nhiều thập niên qua.

Đường băng dành cho máy bay lớn

Đô đốc Harry B. Harris Jr. ghi nhận trong khi Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan tôn tạo ở biển Đông với tổng diện tích chừng 100 sào đất (40,46 ha) trong hơn 45 năm trong khi “chỉ trong 18 tháng, Trung Quốc đã cải tạo đất gần 3.000 sào đất” (1.214,1 ha).

Ông phân tích: “Đường băng 10.000 feet (3.048 m) là đủ cho máy bay B-52, khá đủ cho tàu không gian và dư hơn 3.000 feet cho máy bay 747. Vậy thì không có máy bay nhỏ nào cần đường băng dài đến thế. Họ xây nhà chứa máy bay với các điều kiện rõ ràng được sử dụng để tiếp nhận máy bay chiến thuật”.

Ông cũng lo ngại Trung Quốc sử dụng các đảo nhân đạo mới bồi đắp thành chuỗi tiền tiêu thám sát: “Chắc chắn các đảo này sẽ mở rộng thêm mạng lưới thám sát có thể được thiết lập với các radar, thiết bị chiến tranh điện tử và nhiều thứ khác”.

Ông kết luận vì những lý do nêu trên, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, chấm dứt âm mưu đơn phương thay đổi nguyên trạng và dừng ngay hoạt động cải tạo đất.

Điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ và các cố vấn đang tìm kiếm giải pháp thích hợp nhất để đối phó với thái độ gây gấn của Trung Quốc mà không làm phương hại đến quan hệ Mỹ-Trung.

Báo The Hill (Mỹ) đưa tin cùng ngày 23-7, tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã tổ chức điều trần. Tham gia điều trần có các chuyên gia:

- Nghị sĩ Matt Salmon, Trưởng tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương (nghị sĩ này vừa đến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 5).

- Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Giám đốc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới).

- Tiến sĩ Andrew S. Erickson ở Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ).

- Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (Trung tâm về nghiên cứu chiến lược và quốc tế).

- Tiến sĩ Michael D. Swaine thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

Cần phải phi quân sự hóa khu vực

Tại buổi điều trần, nghị sĩ Matt Salmon khẳng định hoạt động bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc đã gây thiệt hại đến tình hình ổn định khu vực, các nguyên tắc và mục tiêu phát triển toàn cầu và luật pháp quốc tế.

Tiến sĩ Patrick M. Cronin đã giải thích về vai trò an ninh của Mỹ tại biển Đông.

Ông nhận định thái độ bất chấp, hoạt động hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và chương trình cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông đã trực tiếp làm sói mòn trật tự được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai và lòng tin Mỹ.

Ông lưu ý Trung Quốc đang sử dụng mọi công cụ quyền lực và chiến thuật “cắt lát xúc xích” (chiếm dần các đá, bãi cạn) trong tranh chấp.

Ông đề nghị nếu Trung Quốc cản trở Philippines cải tạo tàu đổ bộ Sierra Madre (Philippines dùng con tàu mắc cạn này để đóng quân trên bãi Cỏ Mây), Mỹ có thể triển khai luân phiên một số lính hải quân trong khuôn khổ huấn luyện. Ông cho rằng đây là một trong những hành động Mỹ có thể tiến hành để ngăn chặn tình hình bất ổn tiềm tàng trên biển Đông.

Tiến sĩ Andrew S. Erickson khẳng định trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự hoạt động thường trực, trong đó tối thiểu có hai đường băng phục vụ cho nhiều loại máy bay quân sự.

Ông nhận xét dự án xây dựng một đường dẫn riêng biệt cạnh đường băng trên đá Chữ Thập đã chứng minh Trung Quốc đã dự liệu các chiến dịch quân sự có mức độ xuất kích cao.

Tiến sĩ Mira Rapp Hooper nhận xét Trung Quốc là nước duy nhất trong các nước tranh chấp trên biển Đông đã biến cải hoàn toàn các chức năng nguyên thủy dưới nước của các đảo nhân tạo.

Bà đề nghị có thể sử dụng quỹ hỗ trợ do Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đề nghị (ngân sách ban đầu 50 triệu USD trong năm nay) để hỗ trợ cho cảnh sát biển và hải quân các nước tranh chấp với Trung Quốc.

Tiến sĩ Michael D. Swaine nhận xét thông điệp của Mỹ về vấn đề biển Đông đã bị Trung Quốc bóp méo nghiêm trọng.

Ông đề nghị cần phải làm rõ thông điệp này trong các cuộc thảo luận ở các cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc, kể cả trong hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 tới ở Washington. Ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải xây dựng cơ sở phi quân sự hóa khu vực và xuống thang căng thẳng.

Báo Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đang chú ý đến thông tin quân đội Mỹ có thể triển khai máy bay tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-35C thế hệ thứ năm ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 20-7, Đô đốc Jonathan W. Greenert phụ trách các chiến dịch hải quân Mỹ thông báo đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ tăng số tàu chiến ở châu Á-Thái Bình Dương từ 95 tàu lên 115 tàu. Ông cho biết hải quân sẽ triển khai các loại máy bay chiến đấu, máy bay thám sát, máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái thế hệ mới ở đảo Guam và Nhật.

Thời Báo Hoàn Cầu ghi nhận trong các loại máy bay Mỹ, Trung Quốc lo ngại nhất là máy bay tiêm kích tàng hình F-35C. Máy bay này có thể cất cánh từ tàu sân bay, có tầm hoạt động xa hơn nên có thể cất cánh từ Philippines đánh vào các mục tiêu ở Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm