Đá Vành Khăn là địa điểm xây đảo nhân tạo mới nhất của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Ngoài ra, theo Reuters, Trung Quốc cũng đang cho xây đắp đảo nhân tạo tại nhiều thực thể khác trong quần đảo Trường Sa. Hành động đơn phương và ngang ngược này đã liên tục vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia có liên quan và chính quyền Washington.
Hình ảnh được công bố ngày 16-3 bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho thấy, hiện đang xuất hiện một chuỗi của các hòn đảo nhân tạo nhỏ cùng với nhiều kiến trúc mới, đê biển chịu lực và trang thiết bị xây dựng dọc theo phạm vi Đá Vành Khăn. Một số tàu hút bùn cũng đã xuất hiện. Lối vào rặng san hô cũng đã được mở rộng.
Ảnh chụp ngày 1-2 cho thấy, một tàu vận tải đổ bộ hải quân của Trung Quốc xuất hiện cách lối vào rặng san hô khoảng vài trăm mét. CSIS cho biết, một con tàu như vậy có thể chở đến 800 binh lính và khoảng 20 xe bọc thép lội nước.
Hình ảnh vệ tinh ngày 16-3 cho thấy có rất nhiều tàu hút bùn đang hoạt động xung quanh Rặng san hô Đá Vành Khăn tại biển Đông (Nguồn: Straights Time)
Tuy nhiên, hồi tháng 10-2014, hình ảnh vệ tinh giám sát không phát hiện bất kỳ dấu hiệu xây lấp đảo nhân tạo nào tại Đá Vành Khăn. Điều này cho thấy Trung Quốc đang tiến hành tạo đảo với tốc độ chóng mặt.
Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Yomiuri của Nhật Bản hôm 9-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bày tỏ mối quan ngại đối với quá trình xây lấp đảo của Trung Quốc tại Trường Sa. Mỹ khá lo lắng trước khả năng Bắc Kinh có thể triển khai sức mạnh hải quân sâu hơn vào trung tâm Biển Đông.
Trong khi đó, phía Philippines hồi tháng 2-2015 đã ghi nhận nhiều tàu hút bùn Trung Quốc đi vào hoạt động tại khu vực Đá Vành Khăn, 135 km (85 dặm) về phía tây đảo Palawan của Philippines.
Năm 1995, Trung Quốc đã cho tàu sang chiếm rặng san hô này, bắt và trục xuất các ngư dân Phillipines và xây dựng các cấu kiện đa giác cắm cờ Trung Quốc.