Ngày 15-12 vừa qua, Trung tâm Thương mại Taka Plaza 2 tọa lạc tại đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM đã chính thức đóng cửa sau hơn một năm rưỡi hoạt động.
Cùng ngày, sau tám năm hoạt động, Trung tâm Thương mại Parkson Viet Tower tại Hà Nội tạm dừng hoạt động. Đây cũng là trung tâm thứ ba của hệ thống Parkson ngừng hoạt động tại thị trường này.
“Bay” hàng trăm triệu đồng
Tại Taka Plaza 2 trước khi đóng cửa, chúng tôi thấy khách hàng lèo tèo dù nhiều gian hàng treo bảng giảm giá, khuyến mãi “mua hai tặng một”. Chị Sinh, kinh doanh đồ nội y tại đây, cho biết giảm giá bán sản phẩm đến gần 50% nhưng khách không mấy mặn mà.
“Tôi kinh doanh từ lúc khai trương trung tâm đến nay. Có điều tình hình bán buôn càng ngày càng ảm đạm. Từ ngày vô đây đến giờ tính sơ sơ bay cả 100 triệu đồng rồi mà chưa thấy hướng ra. Theo nghề nên phải dốc sức mà gồng chứ buôn bán căng lắm” - chị Sinh than thở.
Một số chủ sạp khác cũng cho hay Taka Plaza 2 từng được kỳ vọng trở thành địa điểm mua sắm tấp nập của người dân Sài Gòn. Thực tế trung tâm luôn trong tình trạng thưa vắng khách. Thấy tình hình buôn bán ế ẩm, có thời điểm chủ đầu tư giảm tiền thuê sạp đến 50% ở khu tầng trệt. Tuy nhiên, sức mua thấp, vắng quá nên tiểu thương dần dần dọn đi nơi khác.
Không chỉ Taka Plaza mà tình trạng mua bán trầm lắng cũng xảy ra ở nhiều trung tâm thương mại khác. Đơn cử như ở Saigon Square 3 khách mua sắm không nhiều, một số sạp treo biển sang sạp. Ở Trung tâm Thương mại Lucky Plaza cũng tương tự.
Ngay như Trung tâm Thương mại Saigon Mall ở Gò Vấp sau một thời gian phát triển theo mô hình bazz (chợ truyền thống - trung tâm thương mại) cũng kinh doanh không mấy hiệu quả. Thế nên nơi đây đang được nâng cấp, cải tạo thành trung tâm mua sắm giải trí.
Mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm nhưng trung tâm thương mại lưa thưa khách. Ảnh: TÚ UYÊN
Thấu hiểu khách hàng
Nhiều người thắc mắc hiện nay đang là mùa mua sắm cuối năm - dịp làm ăn tốt nhất trong năm, vậy tại sao các trung tâm thương mại lại đóng cửa? Đại diện một trung tâm thương mại thừa nhận người Việt thích mua quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức… tại nơi họ có thể mua cá thịt, rau, mắm muối. Địa điểm đó cũng phải có chỗ cho con cái họ vui chơi, vợ chồng ngồi uống cà phê thư giãn… Trong khi đó nhiều trung tâm thương mại lại không đáp ứng được nhu cầu này nên đành rời bỏ cuộc chơi.
Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nhận xét nguyên nhân khiến các trung tâm thương mại không hoạt động nữa chắc chắn là do không đảm bảo hiệu quả và không đáp ứng được mục tiêu của nhà đầu tư. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá tiềm năng, song khi xu hướng tiêu dùng thay đổi mà nhà bán lẻ không thay đổi theo thì việc rời khỏi cuộc chơi là điều không tránh khỏi.
“Theo tôi, các nhà đầu tư cần có các khảo sát kỹ lưỡng để hiểu thấu được khách hàng mục tiêu của mình. Nếu nắm chắc được nhu cầu, xu hướng của khách hàng thì phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thức và cơ cấu tổ chức cho phù hợp” - ông Chiến khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Alex Crane, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết xu hướng mua sắm của khách hàng ngày nay là các trung tâm thương mại cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, mặt hàng khác nhau. Đó là giải trí kết hợp mua sắm hàng hóa, tức sự đa dạng tập trung trong cùng một nơi. Như vậy chỉ có ở các trung tâm thương mại mới, tích hợp nhiều dịch vụ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Còn những trung tâm thương mại chỉ cung cấp các thương hiệu cao cấp, hoặc hỗn hợp thương mại còn giới hạn sẽ không phù hợp với nhu cầu mua sắm hằng ngày của khách hàng.
Dẫn chứng là trường hợp Parkson, trong giai đoạn đầu mới gia nhập thị trường Việt Nam (2007-2010), Parkson chiếm được thị phần lớn nhờ thị trường bán lẻ ở thời điểm này phát triển mạnh và đạt lợi nhuận. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này mà không có sự cải tiến hay thay đổi theo khu vực là không phù hợp. Thực tế khách hàng muốn có trải nghiệm khác.
Vẫn hấp dẫn nước ngoài Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, TP.HCM có 131 trung tâm bán lẻ. Năm 2016 dự kiến sẽ có thêm 300.000 m2 mặt bằng bán lẻ gia nhập thị trường. Trong khi có rất nhiều trung tâm thương mại gặp khó khăn trong việc lấp đầy mặt bằng và thậm chí đóng cửa cho thấy ngoài yếu tố như định hướng nhu cầu khách hàng chưa phù hợp thì nguồn cầu tại thị trường này vẫn chưa đủ mạnh. Điều này sẽ dẫn tới thừa cung trong tương lai gần. Tuy vậy, Việt Nam với trên 90 triệu dân chính là tiềm năng và động lực phát triển nhanh phân khúc bán lẻ ở khu vực lẫn quốc tế. Đặc biệt là cửa ngõ vào thị trường Đông Nam Á khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư đối với các nhà bán lẻ nước ngoài trong năm năm tới. Giá cao, ít dịch vụ Theo tôi, nhiều trung tâm thương mại vẫn kinh doanh theo mô hình cũ, lạc hậu, không bắt kịp với xu hướng mới. Ví dụ họ chủ yếu chỉ bán mỹ phẩm, quần áo… chứ không đáp ứng được nhu cầu đa dạng gồm cả mua sắm lẫn thư giãn của người dân Sài Gòn. Khi đã không đáp ứng được nhu cầu mới thì chuyện họ phải đóng cửa chỉ là sớm hay muộn. Đó là chưa kể giá bán tại nhiều trung tâm thương mại thường cao hơn bên ngoài rất nhiều, mà có khi còn trà trộn hàng nhái, hàng giả như cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện. Chị PHƯƠNG LINH, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM |