Trùng tu không có nghĩa là khoác áo mới!

Việc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho quét vôi trắng nhiều hạng mục của di tích này đã khiến dư luận “nổi sóng”. Về vấn đề này, các chuyên gia bảo tồn, nhà văn hóa nói gì?

Phải giữ nguyên kiểu dáng, màu sắc     

Việc quét vôi Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay bất kỳ di tích văn hóa nào phải đảm bảo đúng quy trình cũng như nguyên tắc về trùng tu di sản. Nghĩa là trùng tu nhưng phải giữ được kiểu dáng, màu sắc của di tích đó.

Việc quét vôi Bưu điện TP.HCM vừa qua chính là bài học kinh nghiệm. Bưu điện TP là công trình thời Pháp được quy định màu vôi không vàng chóe, không nâu sậm mà có màu vàng nhạt như trụ sở Tòa án TP. Vậy mà người ta đã làm mới Bưu điện TP mà không nghiên cứu màu vôi cũ khiến người nhìn khó chịu, sau cùng phải sửa lại.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia có từ lâu và rất đặc biệt, buộc phải cẩn trọng về các bước trùng tu. Đơn vị quản lý di sản này khi muốn sửa chữa, trùng tu phải lập đề án, hỏi ý kiến các chuyên gia bảo tồn và văn hóa để họ nghiên cứu về màu vôi, làm sao pha màu vôi mới giống với màu gốc vốn có.

NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM

Đừng tùy tiện sơn phết khác màu gốc

Khi một di tích đã xuống cấp thì dứt khoát phải trùng tu nhưng nguyên tắc trùng tu là phải bảo đảm các yếu tố gốc của di tích, kể cả vật liệu và màu sắc. Chỉ trừ trường hợp không thay thế được thì mới buộc phải dùng vật liệu khác.

Việc trùng tu di tích hoàn toàn khác với sửa chữa một ngôi nhà. Trùng tu di tích phải đảm bảo tất cả yếu tố gốc của di tích, còn sửa một ngôi nhà có nghĩa là làm mới cái cũ. Hai điều này hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc quét nước vôi khác màu so với màu nguyên thủy của di tích là rất không nên.

Các bậc tiền nhân khi làm một công trình, có nơi sơn màu đỏ, có nơi người ta sơn màu vàng, có nơi sơn màu nâu. Tất cả đều có ý tứ trong đó chứ không phải ngẫu nhiên muốn làm gì thì làm. Ví dụ, sơn màu vàng bởi theo triết lý Đông phương, màu vàng là màu thổ, màu của đất, thể hiện cả một nền văn minh nông nghiệp. Giờ với di tích đó, ta sơn màu đỏ hay màu xanh thì đảo lộn hết các giá trị.

Ông NGUYỄN SỰ, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An,
người gắn bó cả đời với từng công trình trong phố cổ

Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau khi được quét vôi, nhìn khá tương phản với những bức tường rêu phong phía xa. Ảnh: PHI HÙNG

Chưa tính đến yếu tố thẩm mỹ

Câu chuyện ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám về mặt thị giác thì đúng là nhìn hơi sốc, bởi lâu nay người dân đã quen với hình ảnh cũ kỹ rêu mốc của di tích này. Lớp sơn mới trông phản cảm, không thấy tinh thần màu sắc của xưa cũ. Có thể đơn vị thực hiện chưa tính đến yếu tố thẩm mỹ khi thực hiện trùng tu.

Ở Đức và Hà Lan, khi trùng tu các di tích họ thường chỉ làm sạch chứ không làm biến đổi màu sắc. Theo tôi, việc trùng tu, bảo tồn phải được làm thường xuyên và phải có chuyên môn cao chứ không phải chỉ cạo sạch rêu mốc đi rồi phủ lớp vôi mới.

Họa sĩ NGUYỄN THẾ SƠN, giảng viên khoa Hội họa
Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam

Hoàn toàn đưa được về màu cũ của di tích

Nếu được giao trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đầu tiên tôi phải xác định tại sao tường bị ẩm, từ bên ngoài vào hay từ dưới đất lên để tìm cách giải quyết, chống thấm triệt để. Giữ nguyên màu sắc cho công trình cổ là rất phức tạp, thậm chí phải mua màu từ Ý chứ thị trường Việt Nam chưa có nhưng hoàn toàn có thể làm được. Khi trùng tu đình làng Trần Đăng, tôi cũng phải mua màu từ Ý chứ không dám quét vôi như người ta làm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nói tóm lại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần trùng tu bảo dưỡng nhưng phải làm sao để đưa di tích về màu sắc gần tương tự màu sắc cũ. Không thể thay đổi thành một màu khác hoàn toàn như cách làm vừa qua.

Ông LÝ TRỰC DŨNG, họa sĩ, kiến trúc sư

Không thể lười biếng với di tích

Những người làm công tác quản lý di sản không thể lười biếng mà luôn luôn phải quan sát, phải tránh để di tích xuống cấp rồi mới trùng tu. Vì lẽ đó mà tôi cho rằng việc quét vôi mới ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phản cảm. Khi tu bổ lại di tích kiểu như thế, ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hỏi ý kiến ai chưa? Mà nếu hỏi thì phải hỏi các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về di sản văn hóa chứ không phải “chuyên gia” nào cũng hỏi được.

GS-TSKH TRẦN LÂM BIỀN

Ông LÊ XUÂN KIÊU, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Sẽ phủ màu xám trắng để giống màu cũ

Lớp vôi tôi có màu trắng được phủ lên nhằm mục đích triệt tiêu nấm mốc và bảo vệ lớp vữa trát ở bề mặt tường. Sau khi lớp vôi tôi này khô, đơn vị thi công sẽ phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó. Tôi khẳng định di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ được nét cổ kính, trong khi những chỗ bẩn, bị nấm mốc, gây phản cảm được loại bỏ. Lớp vôi và sơn sau một thời gian sẽ ngả màu và không lâu nữa nấm mốc sẽ quay trở lại, khi đó chúng tôi sẽ phải tiếp tục tiến hành duy tu, bảo dưỡng như thế này.

Bia Quốc học Huế bị sơn vàng lòe loẹt

“Bia Quốc học Huế sơn vàng là đúng màu của nó trong thời xưa” - đó là khẳng định của ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học và Công nghệ miền Trung, đơn vị phụ trách tư vấn thiết kế dự án này vào chiều 11-1.

Trước đó, nhiều ý kiến bày tỏ sự không hài lòng khi thấy công trình bia Quốc học hay còn gọi là đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong trong khi trùng tu được sơn một màu vàng lòe loẹt. Nhiều họa tiết trang trí trên bia cũng bị thay đổi. Nhưng ông Lê Văn Quảng khẳng định màu vàng tại công trình trùng tu bia Quốc học là đúng màu của công trình lúc mới xây dựng. Theo ông Quảng, “giai đoạn đầu màu sẽ đậm, sau một thời gian nữa tiếp xúc với không khí và thời tiết thì sẽ trở nên cũ hơn và nó sẽ mọc rêu trở lại nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng của công trình”.

Trùng tu không có nghĩa là khoác áo mới! ảnh 7
Bia Quốc học được trùng tu.  Ảnh: NG.DO

Về họa tiết trang trí trên bia Quốc học Huế, ông Quảng cho biết đơn vị thi công chỉ bóc đi lớp hồ vữa hư hỏng bên ngoài và giữ nguyên cái cốt của công trình nên tất cả đường nét được giữ nguyên, không thay đổi. Trước khi thực hiện trùng tu, đơn vị đã họp với UBND TP Huế cũng như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để đưa ra phương án trùng tu triệt để công trình.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng màu hiện nay trên bia Quốc học quá lòe loẹt, chói mắt. “Bia Quốc học là công trình có ý nghĩa lịch sử với các hoa văn đặc biệt kết hợp cả kiến trúc Đông và Tây. Giá trị nhất của công trình này là hoa văn trang trí có tính biểu tượng chung cho văn hóa truyền thống Việt, cụ thể là Huế. Nhưng quá trình trùng tu, nhiều hoa văn tinh xảo bị bóc tách, thay mới” - ông Hằng nói.

NGUYỄN DO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm