Sáng 9-9, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển.
Theo báo cáo, trường có tiền thân là Trường Cán bộ Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thành lập năm 1982. Đến năm 2010, trường được nâng cấp thành Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.
Hiện trường có hơn 20.000 học sinh, sinh viên và đội ngũ 748 cán bộ giảng viên, trong đó có 25% là trình độ tiến sĩ và nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Trường ngày càng phát triển theo hướng đa ngành, có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm.
Ngoài đào tạo, trường còn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động liên quan như mở thêm các ngành nghề đào tạo mới, tăng số công trình công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín qua từng năm, tăng hoạt động kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên… Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng ngày càng chuyên nghiệp, dân chủ, nghĩa tình tạo điều kiện để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, cống hiến.
Từ đó, thu nhập bình quân cho đội ngũ của trường tăng 5-10% hàng năm, hiện nay bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người.
|
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện tập thể trường. Ảnh: PHẠM ANH |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương chúc mừng và biểu dương những thành tích đã đạt được của nhà trường.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh gợi ý trường cần ưu tiên đổi mới, hoàn thiện chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, công tác khảo thí, tuyển sinh, bảo đảm quy mô đào tạo gắn với chất lượng đào tạo.
Cùng với đó, trường phải liên tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đồng thời hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng lưu ý trường cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại hơn để phục vụ công tác dạy và học. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm và hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư.
Đồng thời, bắt tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, qua đó tạo dựng môi trường để học sinh, sinh viên phát triển các ý tưởng khởi nghiệp.
“Trường cần xây dựng cho được môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp ứng xử chuẩn mực của học sinh, sinh viên; quan tâm tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, có công với nước, gia đình nghèo có cơ hội học tập tại trường” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị.