Trường ĐH KD tuyển ngành y: Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ kiểm tra lại
Ngày 2-12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết liên bộ GD&ĐT và Y tế sẽ tiến hành kiểm tra lại việc thực hiện các yêu cầu của liên bộ về việc mở ngành y và dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Theo ông Ga, việc kiểm tra lại để có căn cứ quyết định việc cho tuyển sinh ngành y và dược học của trường.
Cơ sở thực hành còn thiếu một số thiết bị. Ảnh: Huy Hà
Trong lần thẩm định lại sắp tới, ông Ga cho biết Bộ GD&ĐT sẽ mời hai chuyên gia về các ngành y, dược của Bộ Y tế tham gia đoàn kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của liên bộ tại biên bản thẩm định ngày 5-10.
Việc thẩm định dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 7 đến ngày 11-12.
Theo Bộ GD&ĐT, hai ngành y và dược là ngành đặc thù nên Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp để thẩm định các điều kiện mở ngành.
Tại buổi thẩm định ngày 5-10, đoàn thẩm định kết luận việc chuẩn bị về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm của trường chưa đầy đủ. Đoàn thẩm định ủng hộ việc mở ngành đào tạo y khoa và dược học sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện hồ sơ mở ngành.
Tuy nhiên, ngày 19-11, Bộ GD&ĐT đã có quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y và ngành dược trình độ ĐH hệ chính quy.
Sau khi dư luận lên tiếng, nhà trường đã họp báo, GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận theo quyết định của Bộ Y tế, muốn mở ngành y đa khoa phải có 50 giảng viên thì trường mới đáp ứng được 47 giảng viên (thiếu ba giảng viên), trong đó có 15 giảng viên cơ hữu, các giảng viên còn lại có hồ sơ cam kết làm việc tại trường.
Đối với khoa dược, ngoài hai lãnh đạo khoa thì trường đã mời được 16 giảng viên cơ hữu, ngoài ra có 13 giảng viên có hồ sơ cam kết làm việc tại trường.
“Chúng tôi thừa nhận là chưa đủ thật nhưng để dùng 50 vị thì sáu năm sau mới dùng đến hết, trả lương mà không giảng thì ai thèm nhận. Chúng tôi chuẩn bị nhân sự hai năm trước mắt dần dần sẽ chuẩn bị tiếp. Không có lý gì mà chúng tôi mời được 47 GS, TS mà không mời thêm được ba giảng viên nữa” - ông Phương giải thích.
Về trang thiết bị ông Phương cũng thừa nhận là chưa đủ nhưng theo giải thích của ông Phương mua đủ mà 5-6 năm nữa mới dùng thì hỏng. Nên nhà trường đã ký hợp đồng với các công ty cung cấp, khi cần thì họ mang đến ngay. Hiện tại trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dùng cho hai năm đầu.
“Chưa thật đầy đủ điều kiện đó là theo ý nghĩa đó chứ không phải là chúng tôi thiếu điều kiện” - ông Phương nói.