Ngoài ra, một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay ngoài việc điều tra xác định nguyên nhân, CQĐT cũng sẽ làm rõ và xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận, nhà bè này thuộc loại phương tiện thủy nội địa nên phải được cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm mới đưa vào hoạt động. Nhà bè này không đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng không biết vì lý do gì mà vẫn được hoạt động.
Được biết trước đây người dân thiết kế loại bè này để nuôi tôm hùm, sau đó người chủ đầu tư là ông Châu Thành Đào (Công ty Vĩnh Tiến) hoán cải trở thành “nhà hàng” nổi phục vụ du khách. Việc cải tạo lại rất sơ sài, toàn bộ “nhà hàng” được nổi bởi các phao làm bằng thùng phuy nhựa màu xanh và một đường đi tạm bợ được lát ván từ bờ đến nhà bè cho du khách đi lại.
Trước đó, chiều 23-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết nguyên nhân tai nạn là do tàu đáy kính của Công ty Vĩnh Tiến chở khách đi trên biển đã va chạm vào nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống của công ty mình. Vụ tai nạn làm hai du khách là Nguyễn Thị Liễu Chi (sinh năm 1993, ở Tiền Giang) và anh Đinh Công Duẩn (sinh năm 1987, ở huyện Bến Lức, Long An) tử vong, bốn du khách khác bị thương.
Qua thống kê, trên khu vực vịnh Vĩnh Hy có sáu công ty, đơn vị được cơ quan chức năng cấp phép cho hoạt động kinh doanh buôn bán. Tất cả hoạt động này đều diễn ra trên bè nổi. UBND tỉnh đã thông báo đình chỉ hoạt động tạm thời các lồng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống tại vịnh và 15 tàu đáy kính kinh doanh vận tải đường thủy nội địa cho đến khi điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Tỉnh cũng tiến hành kiểm tra các phương tiện, nếu như hội đủ điều kiện theo quy định mới cho hoạt động kinh doanh trở lại.