TTCP chỉ ra nhiều vi phạm của Công ty Thái Sơn và Út 'trọc'

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình,  Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định về thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Sau đó, TTCP đã ban hành Kết luận thanh tra số 35 ngày 8-1-2019 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (QP). 


Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã bị đưa ra xét xử.

Ngày 29-3-2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong đó có nội dung: Đồng ý với nội dung báo cáo, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 35 trên. 

Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 về công khai kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra như sau: 

Việc góp vốn và chuyển nhượng cổ phần của Tổng công ty Thái Sơn

 - Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ QP nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ QP, không thực hiện việc góp vốn Điều lệ như cam kết, vi phạm quy định.

Việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng cổ phần là thiếu khách quan, minh bạch và không đúng quy định tại Điều 6, Nghị định số 222/2013; không thực hiện đúng, đủ vai trò, trách nhiệm của Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ QP theo quy định tại Khoản 7, Điều 16 Quyết định số 15/2007 ngày 22-1-2007 của Bộ QP.

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn và các đơn vị, cá nhân liên quan.

Việc thực hiện các dự án đầu tư

Công ty Thái Sơn Bộ QP có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (như: Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (như: Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20…) nhưng vẫn được các Chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn Bộ QP đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Công ty Thái Sơn Bộ QP, lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, các chủ đầu tư dự án và đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Việc thực hiện trách nhiệm Nhà đầu tư tại dự án Cầu Việt trì, Quốc lộ 20:

+ Các Ban Quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến, đánh giá năng lực tài chính không chính xác nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, nhận xét, đánh giá đạt và quyết định lựa chọn Công ty Thái Sơn Bộ QP là Nhà đầu tư dự án trong liên danh, nhưng sau đó Công ty Thái Sơn Bộ QP lại chuyển nhượng thầu; Nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận là vi phạm quy định.

+ Công ty Thái Sơn Bộ QP thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20. Sau đó, Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu; tính giá trị quyền thu phí Trạm Bảo Lộc đưa vào Tổng vốn đầu tư không đúng giá trị hơn 284 tỉ đồng; lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán các gói thầu còn nhiều sai sót, vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời

 Chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, Công ty Thái Sơn Bộ QP.

- Việc thực hiện trách nhiệm là nhà thầu xây lắp: Công ty Thái Sơn Bộ QP không đủ năng lực nhưng vẫn tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp tại các dự án và được lựa chọn bằng hình thức chỉ định hoặc trúng thầu, sau đó, chuyển nhượng thầu không đúng quy định hầu hết khối lượng công việc cho các nhà thầu khác thi công để hưởng lợi; hoạch toán thiếu doanh thu hơn 135 tỉ đồng, có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước tạm tính là 31 tỉ đồng. 

Những việc làm trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đấu thầu, thuế và quản lý đầu tư xây dựng. Trách nhiệm này thuộc Công ty Thái Sơn Bộ QP, chủ đầu tư các dự án và các đơn vị, cá nhân liên quan.

Việc quản lý, sử dụng vốn tại Công ty Thái Sơn Bộ QP

- Công ty Thái Sơn Bộ QP có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không lưu trữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kế toán theo quy định nhằm:

(i) hợp pháp hoá thủ tục thu chi tiền mặt với giá trị trên 192 tỉ đồng, vi phạm các quy định pháp luật về kế toán; chiếm dụng vốn, sử dụng tiền sai mục đích hơn 695 tỉ đồng, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước  hơn 26,8 tỉ đồng;

 (ii) vay vốn tại Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bà Chiểu, Chi nhánh Thành Đô) và Ngân hàng Liên Việt PostBank với giá trị hàng 100 tỷ đồng;

(iii) sử dụng giá trị quyền sử dụng lô đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM làm tài sản đảm bảo không đúng quy định để vay vốn nhiều ngân hàng… Trách nhiệm thuộc Công ty Thái Sơn Bộ QP và Công ty Yên Khánh.

  - Công ty Thái Sơn Bộ QP không chấp hành đúng quy định của Nhà nước về bảo hiểm, đóng thiếu bảo hiểm cho người lao động với số tiền 205 triệu đồng. 

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện những nội dung sau:

Về cơ chế, chính sách

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể: về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các cơ quan chức năng và nhà thầu liên quan đến tính chính xác, trung thực về hồ sơ dự thầu; về yêu cầu kiểm chứng các tài liệu kê khai năng lực của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.

- Đối với Ngân hàng Nhà nước: nghiên cứu, bổ sung cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác như: thuế, hải quan… và giữa các hệ thống tổ chức tín dụng để chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm ngăn chặn việc giả mạo hồ sơ vay vốn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân có vi phạm các quy định về hoạt động tín dụng.

- Đối với Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải: nghiên cứu quy định về mức vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư phù hợp khi tham gia đầu tư các dự án, đảm bảo đủ năng lực về tài chính thực hiện dự án; hạn chế sử dụng vốn vay ngân hàng, làm tăng chi phí các dự án PPP, nâng cao hiệu quả các dự án.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm

Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các nội dung sau:

Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu như: Báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn Gía trị gia tăng… không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ QP đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.

Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku.

Việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ về Báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.

Dấu hiệu trốn thuế, Bảo hiểm: hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng và không đóng bảo hiểm 205 triệu đồng.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ QP.

Đối với Bộ Quốc phòng:

- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý vốn của Bộ tại các doanh nghiệp.

- Rà soát, kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định việc cho thuê đất, thủ tục đầu tư xây dựng để làm hệ thống Tổng kho bia và Phòng trưng bày tại Kho Z11.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm như Kết luận thanh tra đã nêu theo quy định.

Đối với Bộ Giao thông vận tải:

- Thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra.

- Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với giá trị quyền thu phí Trạm thu phí Bảo Lộc khi quyết toán Dự án sửa chữa và nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên QL20 (đoạn từ Km76-Km206) đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, cần có quy định chế tài cụ thể, chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, xác minh tính chính xác của hồ sơ dự thầu, đề xuất của nhà đầu tư.

- Kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn Bộ QP. Kết quả thực hiện và kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, gửi Thanh tra Chính phủ để theo dõi, phối hợp.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Long An, Đắc Nông, Hà Nội):

Chỉ đạo các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án do Công ty Thái Sơn Bộ QP tham gia để kịp thời, chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật. Thực hiện tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan đã để xảy ra các thiết sót, khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác minh.

Đối với Tổng công ty Thái Sơn:

Tiếp tục rà soát, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên; chấn chỉnh công tác quản lý vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị liên danh, liên kết có vốn góp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị xử lý về tài chính

- Bộ Giao thông Vận tải giảm trừ khi quyết toán: (i) tại Gói thầu số 23 số tiền 299,983 triệu đồng thuộc Dự án Quốc lộ 20; (ii) tại các gói thầu XL2.1, XL2.2, XL2.9 thuộc dự án thành phần 2(BT), Dự án Quốc lộ 20 là hơn 836 tỉ đồng.

- UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện giảm trừ khi quyết toán dự án đối với Gói thầu NG-13A thuộc Dự án nút giao Long Biên với giá trị 1.881 triệu đồng.

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, xử lý các khoản thuế của Công ty Thái Sơn Bộ QP. Trong đó, có số tiền Thanh tra Chính phủ tạm tính là 31.000 triệu đồng.

- Bảo hiểm xã hội TP.HCM kiểm tra, rà soát, xử lý các khoản bảo hiểm xã hội và y tế cho người lao động tại Công ty Thái Sơn Bộ QP, trước mắt xử lý số tiền tạm tính là 205 triệu đồng qua thanh tra đã phát hiện.

Kiến nghị xử lý khác

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế đối với các công ty: Yên Khánh, Cái Mép, An Hiền, Đức Bình, Khánh An và các Chi nhánh của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ QP; phát hiện kịp thời để xử lý đối với những vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nêu trên.

- Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về nguồn vốn cho dự án thành phần 2 BT của Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo QL20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới